Các lô đất này nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai và Hoài Đức (Hà Nội).
Cụ thể, trong tháng 12, huyện Mỹ Đức đấu giá hơn 230 thửa đất.
Ngày 6/12, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 82 thửa đất tại khu lô 3 Đồng Chùa, thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức. Các lô có tổng diện tích hơn 11.160m2. Mức giá khởi điểm hơn 2,1 triệu đồng/m2.
Cuộc đấu giá được tổ chức bằng bỏ phiếu trực tiếp 1 vòng tại cuộc đấu giá (đấu giá theo từng thửa đất) và theo phương thức trả giá lên.
Cũng trong ngày 6/12, huyện Mỹ Đức tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 115 thửa đất tại khu Đồng Dư, khu Mái sau, thôn Trì và khu Đồng Rỉ - Bờ Và, thôn Nội, xã Thượng Lâm. Các thửa đất có diện tích từ 93-178m2 với mức giá khởi điểm 1,7-2,1 triệu đồng/m2. Phương thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp một vòng tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên.
Cũng tại huyện Mỹ Đức, ngày 13/12, huyện này tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 40 thửa đất tại khu Dung Dưới, thôn Bột Xuyên; khu Gò Lá, thôn Phú Hữu; khu Đồng Trai 1, khu Cửa Võng, thôn Mỹ Tiên, xã Bột Xuyên.
Các thửa đất có diện tích 97-315m2 với mức giá khởi điểm chỉ từ hơn 1,1-1,7 triệu đồng/m2. Phương thức, hình thức đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp một vòng tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên.
Tại huyện Mê Linh, 33 lô đất thuộc hai thôn Đông Cao, Tráng Việt, xã Tráng Việt được bán đấu giá trong tháng cuối năm, chia thành ba đợt. Các lô liền kề có diện tích 87-111m2. Người tham gia phải đặt trước 26-336 triệu đồng mỗi thửa. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 5 vòng bắt buộc, với bước giá 5-6 triệu đồng/m2.
Trong tháng 12, huyện Thanh Oai, tổ chức ba phiên đấu giá 63 lô tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, xã Đỗ Động. Các lô có giá khởi điểm 5,3 triệu đồng, tương ứng khoản tiền đặt trước khoảng 92-185 triệu đồng, diện tích 87-175 m2. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 5-8 vòng bắt buộc, bước giá 5 triệu đồng/m2.
Huyện Hoài Đức cũng đấu giá 7 thửa đất tại ba xã Kim Chung, Lại Yên và Di Trạch trong ngày 9/12. Trong đó, 2 thửa tại khu Bờ Đầm, xã Lại Yên có giá khởi điểm 11 triệu đồng/m2, diện tích 68-72 m2, tương ứng khoản tiền đặt trước 149-159 triệu đồng.
5 thửa còn lại có giá khởi điểm 26,7 triệu đồng/m2, diện tích 45-92 m2/thửa. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, với bước giá 7-9 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, các lô đất lên sàn đấu sắp tới tại huyện Thanh Oai vẫn giữ nguyên mức khởi điểm so với các phiên trước.
Còn tại huyện Mê Linh, Mỹ Đức có giá khởi điểm chỉ hơn 1,1-2,1 triệu đồng/m2. Mức này thấp hơn hẳn khởi điểm của các phiên đấu từng gây xôn xao với giá trúng cao nhất vượt 100 triệu đồng/m2 trước đó.
Theo Nghị định 10/2023, mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá là 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm. Tức giá khởi điểm càng thấp, số tiền đặt cọc càng nhỏ. Nếu không trúng, số tiền này được trả lại ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc. Trong khi đó, nếu trúng đấu giá đất, nhà đầu tư có thể lãi trăm triệu đồng từ khoản tiền chênh sang tay.
Chuyên gia bất động sản nhìn nhận, giá khởi điểm thấp xuất phát từ việc thành phố chưa ban hành được bảng giá đất hàng năm sát với giá thị trường. Tiền đặt cọc thấp là một trong những lý do khiến nhà đầu tư đổ xô tham gia, đẩy giá trúng lên cao nhiều lần so với mặt bằng xung quanh.
Theo Hồng Khanh (VietNamNet)