Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV gửi các Đại biểu Quốc hội.
Tại báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước làm rõ việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cho vay mua chứng khoán, phát hành TPDN chiếm tỷ lệ nhỏ
Cập nhật tình hình cho vay của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết: Đến tháng 4/2022, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế, dư nợ chủ yếu là ngắn hạn (chiếm 98%); tập trung phần lớn vào dư nợ để đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Tổng số dư đầu tư Trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2022 là 320,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng (2,86%) cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vẫn được kiểm soát.
Nhằm kiểm soát rủi ro liên quan đến chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Ngân hàng Nhà nước cho biết từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý với các quy định theo hướng chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu của TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, khi phát hành trái phiếu, TCTD phải tuân thủ các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán như đối với các doanh nghiệp khác; đồng thời phải tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán và đầu tư TPDN của các TCTD nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro để có các biện pháp xử lý phù hợp.
“Chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá lại hoạt động cấp tín dụng, tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đổi với các hoạt động cấp tín dụng, trong đó có hoạt động cấp tín dụng đối với các Tập đoàn kinh tế tư nhân, Tập đoàn bất động sản lớn và người có liên quan để quản lý chặt chẽ, hạn chế phát sinh các rủi ro liên quan”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Nêu khó khăn, vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Các rủi ro từ thị trường chứng khoán, TPDN phần lớn phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu (thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành khác). Việc thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng liên quan đến các lĩnh vực này chỉ là biện pháp quản lý rủi ro từ phía ngân hàng.
“Do đó, cần có những biện pháp toàn diện, mang tính đồng bộ với sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan để làm trong sạch, lành mạnh hóa, củng cố thị trường chứng khoán cũng như thị trường TPDN”, Ngân hàng Nhà nước đề xuất.
Định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa các quy định về mua, bán TPDN của TCTD, nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của TCTD khi tham gia vào thị trường TPDN nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, đồng thời hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư TPDN, có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các rủi ro, vi phạm phát sinh, đồng thời thường xuyên cảnh báo, chấn chỉnh TCTD đối với hoạt động này.
Hơn 2,2 triệu tỷ đồng cho vay bất động sản
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 04/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.
NHNN đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản biến động mạnh; tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được NHNN kiểm soát ổn định nhưng để hạn chế tác động của thị trường BĐS đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan để lành mạnh hóa, xây dựng thị trường bất động sản an toàn, bền vững,
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.
Định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản, đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD.
Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ ăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để kịp thời đưa ra giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)