Từ khoảng 10h30, cổ phiếu NVL bắt đầu khớp lệnh liên tục và chỉ sau khoảng 30 phút toàn bộ số cổ phiếu đặt bán giá sàn tích tụ trong nhiều phiên đã được khớp hết.
Hết phiên sáng, hơn 110 triệu cổ phiếu NVL đã được sang tay, và có thời điểm, NVL tăng gần 3%. Khi NVL ghi nhận thanh khoản trở lại, lực bán cũng lập tức dâng cao. Tạm kết phiên, NVL giảm 5%.
Trước đó, theo giải trình của Novaland, giá cổ phiếu NVL giảm kịch sàn liên tục trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô. Cổ phiếu này đã có 13 phiên giảm sàn liên tục. Cụ thể, từ ngày 3-22/11, thị giá NVL “bốc hơi” hơn 60%. Vốn hóa sụt giảm hơn 81.000 tỷ đồng.
Cả trăm triệu cổ phiếu NVL được sang tay trong cuối phiên sáng cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng đột biến. Giá trị khớp lệnh HoSE cao gấp gần 3 lần phiên sáng hôm qua, đạt hơn 9.500 tỷ đồng sáng nay. Trong đó, thanh khoản NVL tăng đột biến 17 lần so với trung bình 20 phiên. Giá trị giao dịch lên tới gần 2.900 tỷ đồng.
Diễn biến có phần tích cực của NVL cũng tạo tác động nhất định tới PDR. PDR là mã có thanh khoản cao thứ 2 toàn sàn, giá trị đạt gần 550 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch sáng nay cũng cao gấp 14 lần so với trung bình 20 phiên. Dù vậy, PDR vẫn chưa thể thoát sàn. Hơn 110 triệu cổ phiếu PDR còn nằm sàn, trắng bên mua.
Trong bối cảnh cổ phiếu PDR đã rơi mạnh 12 phiên giảm sàn liên tục, Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc PDR đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu. Mục đích mua vào theo thông báo là để đầu tư. Thời gian thực hiện giao dịch của ông Vũ là từ ngày 24/11 đến ngày 23/12, thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Việc NVL được giải cứu, hay PDR có thanh khoản trở lại hàng chục triệu đơn vị cũng có tác động tích cực đến thị trường. VN-Index lấy lại sắc xanh, lúc hưng phấn nhất vọt tăng lên gần 985 điểm. Biên độ dao động khá lớn, lên tới 24 điểm chỉ trong phiên sáng. Dù vậy, sát giờ nghỉ trưa, khi NVL quay đầu giảm giá, các mã vốn hóa lớn gây thêm áp lực, VN-Index lại lùi về sát tham chiếu. MSN, VIC, VCB, BCM, VHM, HPG... là những mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. Từ đầu tuần tới nay, nhóm vốn hóa lớn luôn là yếu tố gây áp lực, cản trở chỉ số chính tiếp đà đi lên.
Ở chiều ngược lại, VNM, BID, GAS, ACB, VRE, MBB... là những động lực “đỡ” VN-Index. Tuy nhiên, đóng góp của những mã này là không nhiều, chưa đủ “cân” lại áp lực từ nhóm VN30.
Tạm kết phiên sáng, VN-Index tăng 1,25 điểm (0,13%) lên 961,9 điểm. HNX-Index tăng 3,91 điểm (2,03%) lên 196,31 điểm. UPCoM-Index tăng 0,92 điểm (1,36%) lên 68,56 điểm.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)