Báo VOV dẫn thông tin theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2022, Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đạt tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 483 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần năm 2021.
Trong đó, doanh thu bán vé tăng gấp gần 12,5 lần lên 65,8 tỷ đồng. Doanh thu 2022 của Hanoi Metro tăng mạnh một phần bởi năm 2021 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới bắt đầu thu phí từ tháng 11.
Cả năm 2022, Hanoi Metro ghi nhận doanh thu trợ giá 417 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần 2021. Cũng nhờ khoản trợ giá này, Hanoi Metro đã thoát tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi lãi gộp 109,5 tỷ đồng.
Trong cơ cấu chi phí của Hanoi Metro, khấu hao chiếm 60%, tương đương 225 tỷ đồng. Tiếp sau đó là nhân công với 99,4 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi năm ngoái) và chi phí dịch vụ mua ngoài gần 60 tỷ đồng (tăng gấp 3,7 lần).
Sau khi trừ hết các chi phí, doanh nghiệp này lãi trước thuế 96,8 tỷ đồng. Nhờ đó, khoản lỗ luỹ kế đến hết 31/12/2022 của Hanoi Metro giảm, chỉ còn âm 36,8 tỷ đồng.
Hiện tại, cùng với vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, đường sắt đô thị là lĩnh vực dịch vụ nên giá do thành phố quyết định (mức giá rẻ có trợ giá) để khuyến khích người dân sử dụng nhằm giảm dần phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông thấp nhất 8.000 đồng một lượt và tối đa 15.000 đồng nếu đi toàn tuyến. Giá vé ngày (không giới hạn lượt di chuyển) là 30.000 đồng cho một người, vé tháng có giá 200.000 đồng cho khách phổ thông và 100.000 cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Theo thống kê của Hanoi Metro, trong quý I-2023, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển được hơn 2,65 triệu lượt hành khách, tăng 262% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong 5 ngày dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, tuyến metro này đã vận hành 1.018 lượt tàu, phục vụ tổng cộng 168.529 lượt hành khách.
Tỷ trọng hành khách vào ga Cát Linh đông nhất với 23,5%; ga Yên Nghĩa chiếm 13,6%; 62,9% lượng hành khách phân bố vào 10 ga trên tuyến.
Theo VTC News, năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 519 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ gần 5,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả thực hiện được năm 2022. Sản lượng hành khách trong năm dự kiến đạt 10,7 triệu hành khách với lượt tàu chở khách là 81.316 lượt.
Hanoi Metro chính thức hoạt động từ tháng 6/2015 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, đến hết năm 2022, công ty đang có 667 nhân viên. Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2021 của Hanoi Metro, lỗ lũy kế từ khi thành lập (27/11/2014) đến ngày 5/11/2021 là 139 tỷ đồng. Từ 6/11/2021 (khi tàu điện bắt đầu bán vé) đến ngày 31/12/2021, lỗ phát sinh thêm 20 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của đơn vị quản lý đoàn tàu chạy tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đạt 3.016 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm 2022. Trong đó, chủ yếu là tài sản dài hạn hơn 2.500 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài tuyến chính 13,05 km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa với 12 ga trên cao). Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm; tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h.
Dự án vận hành thương mại từ ngày 6/11/2021.
PN (SHTT)