Trong hai ngày 26-27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị bàn quyết sách phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long trước những thách thức sống còn.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm trước các tác động. Đây cũng là một trong ba đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà, đến nay, đã có nhiều hội nghị, hội thảo trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển vùng ĐBSCL, nhưng chỉ tập trung vào giải quyết một số vấn đề cụ thể, có tính cấp bách đặt ra cho từng lĩnh vực, từng địa phương riêng lẻ, thiếu tính tổng thể, hệ thống.
Trong bối cảnh đó, ngày 26-27/9, Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cùng tham dự có hai phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và nhiều bộ trưởng, các lãnh đạo tỉnh, thành.
Hội nghị huy động trí tuệ, sáng kiến
Trả lời trên Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL. Thủ tướng rất trăn trở trước những thách thức, đe dọa đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
"Với trách nhiệm và tâm huyết, trong tháng 7/2017, trong chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng đã trao đổi với chính phủ nước này lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá trên cơ sở kết hợp khoa học và công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội", Bộ trưởng Hà cho hay.
Cần tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ nội dung trao đổi giữa ông với một giáo sư về thủy lợi. “Ông nói rằng ở ĐBSCL nếu với cách làm như hiện nay thì sẽ tốn kém ghê gớm. Bây giờ chủ trương của Thủ tướng là làm đường ven biển, nhưng cầu, cống có kết hợp với nhau được không hay là giữa cống và cầu khác nhau. Những vấn đề như vậy cần tính toán cụ thể, chứ không phải mạnh anh nào anh nấy làm trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế”, Thủ tướng trăn trở.
Thủ tướng nhấn mạnh nếu tiếp tục xây đô thị bằng đê bao, lúc cao, lúc thấp, “anh sau làm cao hơn anh trước, không có quy hoạch thì không bao giờ thành công”. Cần tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang, ngày 14/3/2017. Ảnh: VGP . |
Theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, yêu cầu của Thủ tướng đặt ra đối với hội nghị là khả thi, thực chất và cụ thể. Theo đó, hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới mang tầm chiến lược, đột phá đồng thời đề xuất cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia của các bên. Phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn; tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…)
Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các Ban Đảng, Quốc hội, Trung ương MTTQ, các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân, trong vùng ĐBSCL và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
"Vì vậy, có thể nói đây là Hội nghị huy động trí tuệ, sáng kiến, tâm huyết các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho quyết sách lớn của Chính phủ đối với phát triển vùng ĐBSCL", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với vùng đất này. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước.
Nguy cơ từ nước biển dâng và sụt lún
Trao đổi với Zing.vn, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái và biến đổi khí hậu nói rằng kịch bản nước biển dâng lâu nay chúng ta thường nghe là ĐBSCL sẽ bị ngập mặn đến 39% nếu nước biển dâng 1 m.
Theo kịch bản mới cập nhật năm 2016 của Bộ TNMT, do thay đổi cách tính theo phương pháp mới của thế giới thì kịch bản khả dĩ nhất là nước biển dâng khoảng 53 cm cho bờ Biển Đông và 55 cm ở bờ Biển Tây. Điều này cho thấy kịch bản nước biển dâng là dự báo và có thể được cập nhật nhiều lần nữa. Thực tế nước biển dâng hiện nay chỉ khoảng 3 mm/năm.
Nhà dân ven biển Kiên Giang bị chia cắt với đất liền vì sạt lở. Ảnh: Phước Lợi. |
Trong khi đó, do thiếu thông tin về sụt lún nên khi bị ngập lúc triều cường chúng ta thường đổ hết cho nước biển dâng. "Thông tin trong báo cáo nghiên cứu mới công bố của Đại học Utretch (Hà Lan) về sụt lún ĐBSCL buộc chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề rằng sụn lún với tốc độ gần 10 lần nước biển dâng mới là chuyện đáng lo và khẩn cấp hơn nhiều", ông Thiện nói.
Theo nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan), hiện ĐBSCL bị lún nhanh, từ 1,1-2,5 cm/năm. Riêng các đô thị và khu công nghiệp bị lún nhiều hơn, trung bình tới 2,5 cm/năm.
Các điểm nóng nhất gồm Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong 25 năm qua, khu vực Tân An (Long An) bị lún trên 50 cm, Sóc Trăng lún 35 cm, Bạc Liêu với Cà Mau đều bị lún hơn 30 cm và TP Cần Thơ lún 20 cm.
Đáng lo hơn là càng về sau, sụt lún càng tăng. Giai đoạn 1991-2000, ĐBSCL chỉ lún 0,4 cm/năm, tới 2011-2016 lún 1,1 cm/năm.
Nước sông dâng ngập quốc lộ ở Ngã Bảy, Hậu Giang. Ảnh: Việt Tường. |
Chia sẻ quan điểm, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cũng cho rằng ĐBSCL lún nhanh hơn nước biển dâng. Nước biển dâng mỗi năm chỉ 1-3 mm trong khi đất lún nhanh hơn sẽ làm cho đồng bằng ngập nhiều hơn.
"Lún không đều, chỗ lún nhiều, chỗ ít, lồi lõm khác nhau nhưng con số trung bình thì vẫn nhiều hơn nước biển dâng", ông Tuấn nói.
Các nhà khoa học Hà Lan chỉ ra rằng dù có một số nguyên nhân khác, như tải trọng công trình, quá trình nén tự nhiên, nhưng nguyên nhân chính của chuyện sụt lún nhanh ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm quá mức.
Cách duy nhất mà nhà khoa học này đưa ra để giảm sụt lún là phải giảm sử dụng nước ngầm. Đối với vùng ven biển, về sản xuất nên chuyển sang hệ thống canh tác nước mặn để bớt phụ thuộc vào nước ngọt.
Sạt lở sông Hậu ở Chợ Mới, An Giang. Ảnh: Minh Anh. |
Còn đối với nước sinh hoạt, nên ứng dụng công nghệ lọc nước biển và tăng cường trữ nước mưa cho sinh hoạt. Nhưng nước mưa xem ra cũng khó khả thi khi sắp tới có rất nhiều nhà máy nhiệt điện than mọc lên ở ĐBSCL.
Với vùng nội địa thì cần phục hồi nguồn nước sông để có thể bơi lội, tắm, và dùng để ăn uống bằng cách kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ từ các nguồn sinh hoạt, chăn nuôi, thủy sản, và công nghiệp. Riêng nông nghiệp thì cần giảm thâm canh, giảm số vụ, chuyển sang canh tác nông nghiệp bền vững hơn.
ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước.
"Đắp đê ngăn mặn là làm cắt đứt liên lạc giữa sông ngòi và thủy triều của biển sẽ làm sông ngòi mất thủy triều và sẽ bị suy thoái. Biển không liên lạc với nội địa được thì sinh thái biển cũng sẽ suy thoái", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nêu quan điểm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng khẳng định để hạn chế sụt lún thì phải hạn chế khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, đây là việc khó do những năm gần đây thiếu nước ngọt trầm trọng.
"Bây giờ cấm họ khai thác nước ngọt thì không được, người ta khát thì phải uống chứ không cách nào, chỉ có cách là hạn chế khai thác nước ngầm. Trồng lúa, trồng màu tiêu thụ nước rất nhiều. Phải chấp nhận bớt sản xuất lại", vị Phó viện trưởng nêu quan điểm.
Ông Tuấn cũng đưa ra cách để hạn chế khai thác nước ngầm là sử dụng nước mặn canh tác, như nuôi tôm và tồn trữ lại nước mưa, nước mặt trong mùa lũ phải được tận dụng chứa lại trong ao đìa hoặc xây hồ trữ nước…
Trong 2 ngày 26-27/9, Hội nghị sẽ diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn sâu về các vấn đề. Phiên 1 sẽ bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Phiên 2 sẽ thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Phiên 3 sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sát lở. Ngày 27/9, phiên họp toàn thể sẽ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. |
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)