Hoa Sen có đủ sức ôm dự án 10,6 tỷ USD?

19/09/2016 11:30:00

Việc ĐHCĐ bất thường của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bất ngờ thông qua chủ trương xây dựng dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Ninh Thuận, đã khiến dư luận phản ứng khá gay gắt.

Việc ĐHCĐ bất thường của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bất ngờ thông qua chủ trương xây dựng dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Ninh Thuận, đã khiến dư luận phản ứng khá gay gắt.

Quy mô quá lớn, vốn hoàn toàn từ ngân hàng

Theo HSG, dự án Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận sẽ được triển khai tại xã Cà Ná và Phước Minh, có công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm. Dự án có 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có 2 phân kỳ, công suất thiết kế mỗi phân kỳ 1,5 triệu tấn/năm. Phân kỳ I.1 dự kiến được triển khai từ 2017 đến giữa năm 2018, nhưng khả năng cho ra sản phẩm từ cuối năm 2017.

Phân kỳ I.1 này có tổng vốn đầu tư 13.850 tỷ đồng, trong đó vốn cố định dự kiến 500 triệu USD (tương đương 11.150 tỷ đồng), vốn lưu động 2.700 tỷ đồng. Mục đích chính của dự án này nhằm giúp HSG cạnh tranh trực tiếp với đối thủ của mình là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). 

Từ năm 2017 trở đi, dự báo tỷ suất lợi nhuận của HSG sẽ bắt đầu trở về mức thông thường, do hết thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với thép ngoại, và không còn hưởng lợi từ tồn kho chi phí thấp.

Ngoài ra, HSG cũng có kế hoạch xây dựng một cảng quốc tế quy mô lớn với diện tích 470 ha, tiếp nhận các tàu lớn với trọng tải lên tới 200.000-300.000 DWT để làm bến nhập than, xuất thép. Dự án này yêu cầu vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, dự kiến được triển khai thông qua hình thức PPP, trong đó HSG đầu tư khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, phần còn lại là vốn nhà nước.

Quy mô của dự án cảng quốc tế này khiến các giới đầu tư không khỏi ngỡ ngàng, bởi công suất vượt xa các cảng biển đang hoạt động. Hiện tại, cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ có diện tích 27 ha, có thể tiếp nhận tàu với trọng tải tối đa 160.000 DWT.

 Có thể nói, việc HSG công bố hàng loạt dự án khủng đã khiến giới đầu tư nghi ngờ về năng lực tài chính của HSG để triển khai dự án.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, tập đoàn không có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn trong thời gian tới. Ngoài nguồn lợi nhuận giữ lại, toàn bộ nhu cầu vốn đầu tư cho dự án mới sẽ vay ngân hàng.

Bên cạnh 8.920 tỷ đồng nợ vay trung hạn tài trợ cho đầu tư cố định, phân kỳ I.1 còn cần thêm khoảng 2.700 tỷ đồng cho nhu cầu vốn lưu động (phần lớn sẽ được tài trợ bằng vốn vay ngắn hạn). Do đó, khi thực hiện phân kỳ này, nợ vay của HSG sẽ tăng thêm 11.350 tỷ đồng (bao gồm ngắn và trung hạn).

Hiện tại, tổng nợ vay của HSG tính đến ngày 30/6/2016 là 4.639 tỷ đồng (trong đó gần 70% là nợ ngắn hạn), tương ứng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu 1,3 lần.

Hoa Sen co du suc om du an 10,6 ty USD? hinh anh 1

Một góc bãi biển rất đẹp tại Cà Ná, Ninh Thuận sẽ được HSG đầu tư siêu dự án thép.

Điều giới đầu tư lo ngại nhất là liệu một doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.965 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.689 tỷ đồng và đang gánh khoản nợ 4.639 tỷ đồng có đủ sức ôm thêm dự án 10,6 tỷ USD.

Theo ông Vũ, HSG đủ khả năng tài chính để triển khai dự án và đã có ngân hàng cam kết tài trợ 500 triệu USD cho dự án này. Cũng dễ hiểu bởi trong danh sách các nâng hàng cho HSG vay rất nhiều cả các "ông lớn" trong nước lẫn nước ngoài, như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank,  ACB, MB, Bản Việt, VPBank, HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, UOB... Ngay cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chủ yếu cho vay chính sách cũng nằm trong danh sách cho HSG vay.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của ông Vũ, vì ngân hàng ông Vũ nhắc đến chưa có thông báo chính thức nào về việc này. Và liệu rằng có ngân hàng nào dám tài trợ cho dự án mà vốn đối ứng của chủ đầu tư gần như không có so với tổng vốn đầu tư. Đặc biệt, viễn cảnh chưa làm đã thua, khi chủ đầu tư vừa tuyên bố gây sốc "sẽ giao hết tài sản cho Nhà nước nếu dự án gây tác hại môi trường". Đồng nghĩa với việc nếu dự án thất bại, ngân hàng sẽ mất trắng vốn.

Lực bất tòng tâm?

Dù dự án thép đang đối mặt nhiều ý kiến phản đối, nhưng khó ai có thể nói khác khi ông Vũ khoe về hoạt động sản xuất kinh doanh cực kỳ ấn tượng của HSG trong những năm gần đây.

Với nhiều thuận lợi về thị trường lẫn chính sách hỗ trợ và biến động giá nguyên liệu đầu vào, niên độ tài chính 2015-2016 là năm thành công đối với HSG nói riêng và các doanh nghiệp ngành thép nói chung (năm tài chính của HSG kết thúc vào tháng 9 hàng năm).

Tại ĐHCĐ bất thường, HSG công bố số liệu ước tính cho niên độ tài chính 2015-2016, với doanh thu đạt 17.573 tỷ đồng (vượt 23% kế hoạch đề ra), lợi nhuận sau thuế đạt 1.350 tỷ đồng (tăng 106% và ước tính vượt 2 lần kế hoạch cả năm).

Về sản lượng tiêu thụ cả năm, HSG ước đạt 1,1 triệu tấn thành phẩm (tăng 18,7%). Trong đó, tôn mạ vẫn là mặt hàng chính khi đóng góp 70% tổng doanh thu, ống thép và ống nhựa chiếm lần lượt 27% và 3% tổng doanh thu.

Những con số này phần nào cho thấy HSG gần như vắng bóng trên thị trường thép xây dựng, một trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao và hiện đang nằm trong tay HPG. Đây cũng là lý do thúc đẩy HSG nhảy vào dự án thép Hoa Sen - Cà Ná.

Tuy nhiên, do HSG chỉ có kinh nghiệm làm tôn mạ và ống thép, chưa có kinh nghiệm gì về thép xây dựng, cũng là lý do khiến nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của dự án.

Lý do nữa để giới đầu tư nghi ngờ về dự án này là khả năng hấp thụ của thị trường. Hiện tổng sản lượng thép xây dựng tại Việt Nam năm 2016 khoảng 7,9 triệu tấn (tăng 18%), trong khi đó nhu cầu dự kiến 7,8 triệu tấn (tăng 20%).

Giả sử trong 3 năm tới, cầu đối với thép xây dựng tăng với tốc độ 10%/năm, cầu của thị trường sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn vào 2022. Trong khi đó, tổng công suất của dự án Hoa Sen - Cà Ná lên đến 6 triệu tấn/năm.

Theo Kim Giang (Sài Gòn Đầu Tư)

Nổi bật