Thị trường chứng khoán ghi nhận những diễn biến khá bất ngờ khi dòng tiền đổ mạnh vào nằm chờ ở các công ty chứng khoán, với tổng giá trị tăng thêm cả chục nghìn tỷ đồng trong 3 tháng, lên 83 nghìn tỷ đồng tính tới cuối năm 2023.
Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường khá èo uột và nhiều cổ phiếu trụ cột tăng giá chậm, thậm chí không ít mã có chiều hướng đi xuống.
Với mức 43.000 đồng/cp hiện tại, cổ phiếu Vingroup (VIC) của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng có mức vốn hóa khoảng 164.000 tỷ đồng (khoảng 6,6 tỷ USD). Thời kỳ đỉnh cao, vốn hóa VIC khoảng 480.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD) hồi tháng 4/2021.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long gần đây ghi nhận cổ phiếu tăng giá mạnh theo những tín hiệu tích cực của ngành thép và kết quả kinh doanh hồi phục ấn tượng của doanh nghiệp này.
Theo báo cáo vừa công bố, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.000 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 48% so với quý trước, qua đó nâng tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 lên 6.800 tỷ đồng. Dù không đạt kế hoạch năm, nhưng đây là con số rất khả quan.
Thời gian tới, sản lượng của Hòa Phát sẽ bứt phá mạnh khi ông lớn ngành thép đẩy mạnh dự án Dự án Dung Quất 2. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long tăng khá mạnh trong vài tháng qua, từ mức 23.000 đồng/cp hồi tháng 10/2023 lên 28.350 đồng/cp như hiện tại. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong hơn năm qua.
Dù còn xa đỉnh cao ở mức hơn 43.000 đồng/cp ghi nhận hồi tháng 10/2021 nhưng cú bứt phá của HPG cũng đã giúp doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đạt mức vốn hóa gần 165.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 6,7 tỷ USD), qua đó vượt Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hòa Phát vượt Vingroup, và cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp sản xuất vượt qua ông lớn bất động sản về mặt vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kịch bản này cách đây 2 năm ít người có thể nghĩ tới.
Trước đó, hồi giữa năm 2021, khi thị trường chứng khoán sôi động và chỉ số VN-Index lần đầu vượt mốc 1.400 điểm trong phiên giao dịch 28/6, giới đầu tư ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu VIC. Vốn hóa của Vingroup khi đó vượt ngưỡng 400 nghìn tỷ đồng.
Vào đầu tháng 7/2021, TTCK ghi nhận có 28 doanh nghiệp có vốn hóa đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn hóa vượt 10 tỷ USD. Đó là Vingroup, Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM) và Hòa Phát.
Tài sản của tỷ phú Việt đi ngang, ông Trần Đình Long có thêm 100 triệu USD
Với sự biến động tích cực của cổ phiếu HPG gần đây, tài sản của ông Trần Đình Long ghi nhận sự gia tăng thêm 100 triệu USD so với hôm 15/1, lên 2,3 tỷ USD theo tính toán của Forbes. Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở mức 4,5 tỷ USD, thấp hơn mức 4,6 tỷ USD hồi đầu năm.
Tính tới ngày 23/1, theo Forbes, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan (MSN), vẫn ở dưới ngưỡng 1 tỷ USD, cụ thể là 996 triệu USD. Ông Quang rời khỏi danh sách Forbes từ 15/1.
Trước đó, ngày 3/1, ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes với tài sản đạt mức 1 tỷ USD.
Trong vài năm qua, ông Nguyễn Đăng Quang liên tục vào, rồi ra khỏi danh sách của Forbes, với khối tài sản biến động trong khoảng từ 1-1,9 tỷ USD. Mức đỉnh cao được Forbes ghi nhận là 1,9 tỷ USD hồi tháng 4/2022.
Bên cạnh ông Vượng và ông Quang, các tỷ phú USD khác cũng ghi nhận tài sản suy giảm.
So với ngày 3/1, tài sản của Chủ tịch hãng hàng không VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 100 triệu USD, xuống còn 2,3 tỷ USD vào ngày 23/1. Tài sản của gia đình Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương giảm 100 triệu USD, xuống 1,4 tỷ USD.
Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh ghi nhận tài sản quy từ cổ phiếu TCB vào ngày 23/1 còn 1,4 tỷ USD.
Riêng trường hợp ông Vượng, trái với Forbes, Bloomberg Billionaire Index lại ghi nhận tài sản của doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam có tài sản đạt 8,06 tỷ USD, xếp thứ 293 trên thế giới, giảm so với mức 8,49 tỷ USD và thứ 277 trên thế giới ghi nhận hôm 15/1.
Ông Vượng được Bloomberg xếp hạng trở lại trong top 500 tỷ phú USD theo tính toán của đơn vị này từ hôm 3/1 sau khi Bloomberg đã tính tới tài sản của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam được hình thành từ hãng xe VinFast.
Tài sản của ông Vượng giảm khoảng 450 triệu USD kể từ đầu năm chủ yếu do cổ phiếu VinFast giảm từ mức 7-8 USD/cp xuống còn 6,1 USD/cp như hiện tại.
Tính tới cuối năm 2023, trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán có 6 doanh nhân trên. Ngoài ra còn có ông Bùi Thành Nhơn (từng lọt danh sách tỷ phú USD của Forbes), bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long), ông Trương Gia Bình (FPT), ông Nguyễn Văn Đạt (PDR).
Tài sản của những người giàu nhất Việt Nam được dự báo tăng lên trong năm 2024 khi mà thị trường chứng khoán được đánh giá sẽ tích cực.
Dòng tiền nằm trong tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư hiện ở mức cao nhất gần 2 năm qua, qua đó có thể giúp thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên. Nhiều dự báo cho rằng, TTCK có thể tăng giá sau đợt nghỉ Tết.
Theo nhiều chuyên gia, những câu chuyện kém khả quan đã được hấp thụ trong năm 2023. Chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội vượt vùng đỉnh tháng 9/2023 (mức 1.255 điểm) ngay trong tháng 2/2024, thậm chí chinh phục mốc 1.300 trong quý I/2024.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/hoa-phat-cua-ty-phu-tran-dinh-long-nhay-vot-von-hoa-vuot-vingroup-2242941.html