Hóa đơn tiền điện tăng vọt: Chờ kiểm toán, thanh tra vào cuộc

24/06/2015 09:55:53

Liên quan đến việc hóa đơn tiền điện tăng vọt trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Với mức tăng hóa đơn tiền điện tới 300% như hiện nay của nhiều hộ gia đình thực sự là quá sức tưởng tượng, kể cả đã tính tới lý do giá điện tăng 7,5% vừa qua.

Liên quan đến việc hóa đơn tiền điện tăng vọt trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Với mức tăng hóa đơn tiền điện tới 300% như hiện nay của nhiều hộ gia đình thực sự là quá sức tưởng tượng, kể cả đã tính tới lý do giá điện tăng 7,5% vừa qua.

Ông Ngô Trí Long cho rằng, cách giải thích nắng nóng, lượng điện sử dụng nhiều và giá điện được tính lũy tiến khác nhau của ngành điện trước thắc mắc của người dân đều đang chưa thuyết phục. Ông Long nói: “Cách tính giá điện, hóa đơn điện hiện nay nói thẳng người dân không thể nào biết được. Thấy hóa đơn tiền điện tăng cao, người dân quanh nhà tôi hỏi nhân viên thu tiền điện, họ cũng không biết trả lời thế nào cho thỏa đáng. Ngay chính nhân viên ngành điện còn không giải thích được thỏa đáng cho dân, thì thử hỏi với công thức tính giá điện người dân bình thường có hiểu được không?!”. Ông Long nêu rằng, từ giá thành phải có sự thanh kiểm tra, tính toán đúng mới ra giá bán chính xác được. Song cho đến nay chưa có cơ quan chức năng nào công bố chính xác giá thành, giá bán điện cho người dân biết”.

Công nhân Điện lực Hai Bà Trưng (Hà Nội) ghi chỉ số để tính tiền điện.

 
Được biết, thời gian qua, liên tục nhiều người dân phản ánh, hóa đơn tiền điện tháng 5 và 6 của gia đình mình đã tăng cao đột biến. Có gia đình tiền điện phải trả tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với tháng trước gây không ít bức xúc.

Chờ “người thứ ba” công tâm!

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, sự tranh cãi về tiền điện hiện nay đang chỉ có một bên bán với một bên mua nên để minh bạch, rõ ràng phải có “một người thứ 3 công tâm” vào cuộc là các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán làm trọng tài. Còn hiện nay, Bộ Công Thương-cơ quan quản lý ngành điện luôn đứng ra “nói đỡ” cho ngành điện thì chưa thể khiến người dân đồng thuận.

Theo vị chuyên gia này, giá điện hiện nay đã theo cơ chế thị trường, tức giá điện = chi phí hợp lý + mức lãi định mức hợp lý. Nhà nước không còn phải bù lỗ. Tuy nhiên chính cái gọi là “chi phí hợp lý” và “mức lãi hợp lý này” lại đang gây nhiều tranh cãi khiến cho giá điện của ta đang bị cõng quá nhiều thứ chi phí so với giá điện của các nước xung quanh.

Một ví dụ ở Singapore được chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cung cấp là khi có sự cố điện xảy ra, từ việc bị mất điện, cắt điện… khách hàng được đền bù thiệt hại, trong khi ở ta thì không. Việc thu tiền điện ở các nước không thủ công như ta nên không có việc người tiêu dùng phải chịu thêm chi phí 1.000 đồng cho việc đi thu tiền điện như ở ta… Năng suất lao động thấp, tổn thất điện năng lớn ở ta thì người tiêu dùng cũng phải chịu…

Tại các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Đinh Thế Phúc-Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước có khoảng 18 triệu hộ khách hàng sử dụng điện. Bộ đã yêu cầu EVN và các công ty điện lực đưa lên trang web cách tính giá điện để người dân giám sát. Ông Phúc cũng thừa nhận, rất nhiều người dân do không nắm được quy tắc tính giá điện nên cho rằng cách tính giá điện của nhà mình bị sai và bị đội lên.

Ghi chỉ số điện bằng camera
Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, hiện ngành đã triển khai ghi chỉ số điện bằng camera, nhằm giải tỏa  băn khoăn của người dân về việc ghi chỉ số công tơ của ngành điện hiện nay vẫn phải thực hiện thủ công bằng cách trèo lên cột điện, đọc chỉ số công tơ để ghi tay nên dễ sai.
Đại diện EVN HANOI cho biết, triển khai việc ghi chỉ số công tơ bằng camera kết hợp với máy tính bảng đang được thực hiện tại 29 công ty điện lực trực thuộc. EVN HANOI đã cấp phát hơn 1.000 bộ camera và máy tính bảng cho các đơn vị trực thuộc. Hiện chỉ còn huyện Quốc Oai là chưa áp dụng công nghệ thông tin vào ghi chỉ số công tơ điện.

Theo lý giải của ngành điện, các sổ ghi chỉ số được xuất ra dưới dạng file PDF và được chuyển tới thiết bị cầm tay như: Smart phone, máy tính bảng. Công nhân sẽ ghi chỉ số trực tiếp trên các thiết bị cầm tay, thay vì ghi sổ giấy như trước.  Ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị di động còn có các tính năng vượt trội so với cách ghi truyền thống như, tính nhanh tổn thất của từng trạm, lưu trữ số liệu chỉ số của mỗi đơn vị gọn nhẹ, khoa học… Đây là giải pháp phù hợp với thực tế hiện nay, khi công tơ cơ vẫn chiếm khoảng 85% lượng công tơ lắp đặt trên địa bàn Hà Nội.
Việc ghi sổ thủ công bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện như: Phát sinh chi phí làm sổ; mất thời gian tính toán sản lượng điện tiêu thụ, dễ gây sai sót trong quá trình ghi; mất thêm công đoạn và người nhập số liệu từ sổ vào hệ thống CMIS, làm tăng chi phí, tăng khả năng sót trong quá trình nhập số liệu…
 
>> Tiền điện tăng vọt
Theo Hải Quỳnh (Dân Việt)