Hổ là động vật hoang dã, được Sách đỏ Việt Nam và thế giới liệt vào nhóm quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn tàn bạo của con người. Tại Việt Nam, cơ quan chức năng đã ra sức bảo vệ hổ. Song thật đáng buồn, chuyện hổ bị bắn chết, bị giết hại, bị nấu cao, bị ngâm rượu, bị vận chuyển trái phép vẫn diễn ra. Hành vi vi phạm này vẫn đang âm thầm diễn ra tại Việt Nam cần được lên án và ngăn chặn.
Hổ bị ngâm nguyên con trong bể rượu
Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nhà gỗ, trang trí nội thất Huy Hoàng 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, do anh Võ Anh Huy (32 tuổi) làm chủ tàng trữ hai con hổ.
Trong đó, một con được ngâm trong bể rượu lớn giống hình thức một tủ nuôi cá cảnh, trông bề ngoài con hổ này còn khá nguyên vẹn, con còn lại nặng 9kg được cất trữ trong tủ lạnh. Anh Võ Anh Huy cho biết, hai con hổ này được anh mua về ngâm rượu để biếu và sử dụng.
Năm 2013, dư luận xôn xao về vụ việc Công ty Cổ phần Tài chính đầu tư Chu Việt - một công ty chuyên sản xuất cao ngựa, thịt ngựa ở Sài Gòn - lại tàng trữ và trưng bày trên kệ nhiều hũ rượu ngâm các loài động vất quý hiếm với số lượng lớn, trong đó có cả hổ con. Trong đó, có hũ rượu ngâm được ghi hẳn dòng chữ “hổ con ngâm rượu”.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhiều vụ ngâm hổ trong rượu cũng bị phát hiện.
Vụ phát hiện 40 hổ con đông lạnh và 20 bình ngâm hổ trong Đền Hổ nổi tiếng Thái Lan vào năm 2016 cũng khiến nhiều người choáng váng. Do những con hổ trong đền thường rất hiền lành và dễ mến nên nhiều người nghi ngờ chúng bị cho dùng thuốc an thần.
Cũng trong năm 2016, tại Trung Quốc, vụ hơn 1.800 con hổ được nuôi trong một công viên động vật hoang dã ở tỉnh Quế Lâm, Trung Quốc để lấy xương ngâm rượu bị phát hiện khiến nhiều người bàng hoàng.
Theo South China Morning Post, khi những con hổ chết do quá già, bệnh tật hay đánh nhau với những con khác, chúng sẽ được đưa đến một nhà máy chế biến cách đó 300km. Tại đây, xương hổ được ngâm trong những thùng rượu gạo lớn.
Hồi tháng 2/2013, Cơ quan Điều tra môi trường (EIA) của Anh tiết lộ thị trường bán rượu cao hổ cốt ở Trung Quốc vẫn hoạt động rình rang dù nước này đã có lệnh cấm sử dụng xương hổ kể từ năm 1993. Các nhà chăn nuôi Trung Quốc không tiếc tay giam cầm và bỏ đói loài động vật quý hiếm chỉ để lấy xương của chúng làm “rượu cao hổ cốt”.
Uống rượu bào thai hổ: Lời đồn nguy hại
Trong số những loại rượu ngâm từ các loại động vật quý hiếm, rượu bào thai hổ được cái đại gia cho là cách thể hiện đẳng cấp thượng thặng nhất. Loại rượu này được thêu dệt là “thập toàn đại bổ”, không phải cứ có tiền là mua được.
Theo phân tích của ông V. (một đại gia ngành xuất nhập khẩu lâm sản và đồ mỹ nghệ ở TP.HCM) trên báo chí, nếu phân cấp thì hà nàm hổ (bào thai của loài hổ) có hai loại là hổ bào thai và hổ sơ sinh. Quan niệm xưa thì bào thai có nhiều chất bổ hơn là hổ đã lọt lòng. Song, việc bắt được hổ đang mang thai để moi hà nàm thì tựa như tầm kim đáy biển. Vì thế, dân chơi rượu lựa chọn “hổ nhi đồng” là chính. Để có được những “bộ cốt” có giá trị này, việc săn lùng cũng không phải đơn giản.
Trong khi đó, Hùng (một tay chơi đồ rừng “thứ dữ” ngụ phường Đa Kao, quận 1) khẳng định trên báo CA TP.HCM: Hổ có trọng lượng dưới 15kg ngâm rượu là “đẹp” nhất, vì ở tầm đó mới có hũ ngâm vừa, và hổ cỡ ấy còn chưa dứt sữa mẹ nên rất bổ. Điều quan trọng là phải giữ được hổ con còn sống đến khi cho vào bình, sau đó đổ rượu vào cho “ông ba mươi” chết ngạt.
Một người từng làm mối cho một số chiến hữu ở khắp các quận ngâm “rượu hổ nhí” nguồn gốc từ Campuchia kể: “Giá gốc mỗi con hổ nhi đồng được con buôn rao bán 50 triệu. Qua vài mối lái cắt cò, giá lên đến trăm chai (100 triệu đồng). Giá này với nhiều tay có thể là đắt nhưng cái giống hổ con nó như cổ vật vậy đó, gặp trúng người kết mô-đen rồi thì giá cả dẫu cao cỡ mấy cũng không thành vấn đề”.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)