Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 14/2023/QĐ-TTg để ban hành danh mục, lộ trình loại bỏ các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp.
Trong đó, nhóm các thiết bị gia dụng sẽ bị loại bỏ bởi Quyết định 14/2023/QĐ-TTg bao gồm bóng đèn huỳnh quang compact, bếp hồng ngoại, điện từ, đèn LED, điều hòa không khí không ống gió, máy giặt, nồi cơm điện, tủ lạnh, tủ đông…
Nhóm các thiết bị văn phòng sẽ bị loại bỏ bao gồm màn hình máy tính, máy photocopy, máy in, máy tính xách tay, máy tính để bàn, tủ giữ lạnh thương mại….
Nhóm các thiết bị công nghiệp sẽ bị loại bỏ bao gồm động cơ điện không đồng bộ ba pha roto lồng sóc, máy biến áp phân phối, đèn điện LED chiếu sáng đường và phố, nồi hơi trong xí nghiệp công nghiệp…
Quyết định 14/2023/QĐ-TTg sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/7. Sau thời điểm này, các loại thiết bị điện có hiệu suất năng lượng thấp sẽ không được phép sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh trên thị trường.
Trước thông tin trên, nhiều người bày tỏ sự hoang mang và lo lắng khi các loại thiết bị điện gia dụng quen thuộc như bếp hồng ngoại, tủ lạnh, nồi cơm điện, đèn compact… sẽ bị cấm bán trên thị trường sau ngày 15/7.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải toàn bộ các thiết bị điện gia dụng có trong danh mục đều sẽ bị loại bỏ và cấm kinh doanh.
Đầu tiên, cần phải hiểu rằng Quy định 14/2023/QĐ-TTg nhằm loại bỏ các thiết bị điện sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp, được sản xuất theo công nghệ cũ và tiêu tốn nhiều điện khi sử dụng.
Còn với các sản phẩm được dán tem tiết kiệm điện và đáp ứng được mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định theo TCVN vẫn được phép sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh bình thường.
Trên thực tế, hầu hết các thiết bị tiêu thụ điện chính hãng đang được bán tại các cửa hàng điện máy, bán lẻ đều "vượt" tiêu chuẩn về hiệu suất tiêu thụ năng lượng theo quy định. Mặt khác, quy định này chỉ áp dụng với doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh nên người dùng sẽ không bị ảnh hưởng nếu mua thiết bị gia dụng tại các cửa hàng bán lẻ chính hãng, có tem nhãn rõ ràng.
Trên thị trường hiện nay, hầu hết các thiết bị gia dụng đều được dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương quy định và chứng nhận. Nhãn năng lượng giúp người mua biết được các thông tin, chỉ số và khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị từ đó có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao, tốn ít điện năng.
Hiểu đơn giản, nhãn năng lượng là nhãn dán trên thiết bị, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó. Tại Việt Nam, có hai loại nhãn năng lượng là nhãn xác nhận (hình ngôi sao) và nhãn so sánh (hình chữ nhật).
Trong đó, nhãn xác nhận (hình ngôi sao) là nhãn dán xác nhận việc sản phẩm có hiệu suất sử dụng, tiêu thụ điện đạt hoặc vượt chuẩn hiệu suất năng lượng do Bộ Công Thương đề ra tại thời điểm sản phẩm được kiểm nghiệm.Mức tiêu thụ và sử dụng điện được chứng minh qua các kết quả thử nghiệm, đo lường đánh giá của Bộ Công Thương.
Với nhãn so sánh (hình chữ nhật), đây là nhãn được dán cho các sản phẩm lưu thông trên thị trường, thể hiện xếp hạng đánh giá mức hiệu suất năng lượng (từ 1 sao đến 5 sao) và các thông số chi tiết liên quan tới xuất xứ, tiêu chuẩn đánh giá, hiệu suất tiêu thụ điện năng của sản phẩm.
Trên nhãn năng lượng so sánh sẽ gồm các thông tin như: hãng sản xuất, xuất xứ, tên/mã sản phẩm, dung tích, mức tiêu thụ điện, số chứng nhận, cấp hiệu suất năng lượng (xếp hạng tứ 1 tới 5 sao).
Thông thường, nhãn 5 sao được coi có cấp độ tiêu thụ và sử dụng điện năng tiết kiệm nhất trong bảng xếp hạng tiết kiệm điện do Bộ Công Thương công bố. Theo đó, các sản phẩm thiết bị điện được gắn nhãn 5 sao cũng thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm khác.
Như vậy, Quyết định 14/2023/QĐ-TTg sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dùng phổ thông, mà chủ yếu ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
PN (SHTT)