Nếu ngưng giải ngân ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng và phải vay thương mại thì người thu nhập thấp khó đáp ứng điều kiện mua nhà cũng như không kham nỗi lãi suất.
Trong văn bản này, Hiệp hội Bất động sản thành phố cho rằng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đặt mục tiêu giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong 3 năm. Và thời hạn 36 tháng (từ 1/6/2013 đến hết ngày 31/5/2016) là do Ngân hàng Nhà nước ấn định, bởi vì Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã không quy định thời hạn này.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng đạt 96,28%, và đã giải ngân lên tới hơn 20.000 tỷ đồng đạt 66,6%, với gần 43.000 hộ gia đình đã tạo lập được nhà ở mới, trong đó khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng, chỉ có khoảng 30% mua nhà ở xã hội.
Do đó, Hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (không ấn định thời hạn) để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định chấm dứt giải ngân kể từ ngày 1/6/2016 thì cần có cơ chế xử lý chuyển tiếp đối với những người đến thời điểm cuối tháng 5/2016 đã ký hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân hoặc chỉ mới được giải ngân một phần.
Hiệp hội nhận thấy trước khi ký hợp đồng tín dụng vay gói ưu đãi, người thu nhập thấp đô thị đã phải ký hợp đồng mua nhà ở thương mại (dưới 1,05 tỷ đồng mỗi căn hộ) với chủ đầu tư và đã phải trả trước 20% giá trị hợp đồng.
Nếu đến ngày 31/5/2016 mà người vay chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần và nếu chấm dứt giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng này, thì người thu nhập thấp đô thị sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, không biết xoay sở như thế nào để có tiền mua nhà.
Nếu vay theo phương thức thương mại thì người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, cũng không thể chứng minh thu nhập theo điều kiện của ngân hàng thương mại quy định. Giả định được vay thương mại thì với lãi suất khoảng trên dưới 10%/năm là gánh nặng khó kham nổi.
Nếu vay ngoài xã hội, thậm chí vay tín dụng đen thì hệ quả khó lường. Do vậy, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ chế chuyển tiếp để xử lý các trường hợp này, cho phép ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân các trường hợp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới giải ngân một phần thì được giải ngân đến hết hợp đồng.
Theo Hoài Thu (VnExpress.net)