Trước tình hình hàng trăm container chở nông sản, trong đó phần lớn là các loại trái cây tươi có thời gian bảo quản ngắn bị ùn ứ tại một số cửa khẩu tại các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, chiều 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương phải nhóm họp gấp để tìm giải pháp tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV-2019 và những động thái của Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người, dự báo sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước. Thiệt hại nặng nề nhất hiện nay là thanh long, dưa hấu và thuỷ sản...
Nhiều mặt hàng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký nhưng không được thông quan. Trong nước, giá thanh long từ 30.000 - 35.000 đồng/kg giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg, dưa hấu nhiều vùng trồng giá bán tại ruộng nông dân cũng chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/kg...
"Nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất, đặc biệt những nhóm hàng như thanh long, dưa hấu... Ngoài ra, tất cả các nội dung thương thảo về thương mại các mặt hàng mới giữa hai bên tạm dừng lại. Chẳng hạn, sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại giờ chưa biết thế nào", ông Cường lo ngại.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, ứng phó với corona cần xác định cả ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, cần tìm thấy cơ hội bên trong những thách thức do dịch bệnh gây ra. Để cần làm điều đó cần có những chuỗi giá trị sâu, chuỗi liên kết lớn để tìm hướng đi khác cho nông sản khi xảy ra sự cố.
Bộ trưởng Cường yêu cầu các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT, Công thương và các doanh nghiệp rà soát nông sản trên địa bàn, trước hết là nông sản đi Trung Quốc, đặc biệt là thanh long và dưa hấu vốn có sản lượng rất lớn. Từ đó, đưa ra giải pháp theo từng địa phương.
Căn cứ vào tình hình dịch, các cơ quan chức năng phối hợp với các tỉnh biên giới để cung cấp thông tin kịp thời, sớm đưa ra giải pháp. Các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý đến phương án phân phối các sản phẩm khó lưu trữ.
Các chủ vườn, nông dân cũng cần kiểm soát tốt việc kích thích ra hoa thanh long sớm, tránh thời điểm thông thương bị hạn chế như hiện nay.
Ông Cường cũng đề nghị các tỉnh lưu ý phát triển chuỗi liên kết nông sản, trở thành giải pháp chiến lược, lâu dài và bền vững chứ không thể lúc nào cũng giải cứu khi gặp sự cố.
Việc mở rộng các thị trường ngoài Trung Quốc cũng là một giải pháp tốt để tránh rủi ro trong tương lai, tránh "để trứng vào một giỏ". Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ và địa phương để ứng phó tình hình.
Về phía Bộ Công Thương, tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT chiều 3/2, Bộ đề nghị các doanh nghiệp logisctics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu; Khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài; Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.
Với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại. Bộ Công Thương cũng đề nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.
Bên cạnh đó, trước khó khăn về xuất khẩu nông sản, mà thanh long, dưa hấu, sắn… chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Bộ Công Thương đã kêu gọi một loạt bộ ngành cùng chung tay hỗ trợ nông dân.
Theo K.N (Giadinh.net.vn)