Khác với phong trào nhập ồ ạt cách đây vài năm, lượng bò Úc sống nguyên con về Việt Nam gần đây đã giảm.
Ông Võ Xuân Hòa, Giám đốc điều hành công ty CP Kết Phát Thịnh (Long An), một trong những DN nhập khẩu bò Úc lớn nhất cả nước cho biết, năm 2015, DN của ông nhập khoảng 100 nghìn con bò sống của Úc về Việt Nam.
Tuy nhiên, sau Tết đến nay, công ty chỉ nhập khoảng 10 nghìn con, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bò nhập khẩu có cân nặng 350-400 kg/con, sau đó nuôi vỗ béo hơn 3 tháng mới bán giết thịt.
Theo ông Hoà, năm ngoái, mỗi ngày Kết Phát Thịnh cung cấp ra thị trường khoảng 300 bò giết thịt, trong đó chủ yếu là khu vực TP HCM và Hà Nội. Ông Hoà tính toán, nhu cầu tiêu thụ bò Úc ở Việt Nam chỉ 200-250 nghìn con/năm. Năm ngoái, Việt Nam đã nhập khoảng 360 nghìn con từ Úc, đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết. Bò vẫn nằm trong trại của đơn vị nhập khẩu, hoặc đơn vị liên kết.
Phong trào nhập bò Úc nở rộ trong năm 2013-2014, vì lãi lớn. Tuy nhiên, qua năm 2015, hiệu quả giảm mạnh. Đến nay, nhập bò về vỗ béo, gần như không có lời.
“DN Việt đua nhập bò Úc nên họ tăng giá, về Việt Nam tranh nhau bán, giá lại giảm. Đây cũng là lúc để thị trường sàng lọc, ai hiệu quả mới tồn tại được”- ông Hòa nói.
Theo tính toán, nhập một con bò Úc, DN phải bỏ ra trên 30 triệu đồng, nếu nuôi vỗ béo đến khi giết thịt, không dịch bệnh, DN lời khoảng 500 nghìn đồng/con/tháng, nuôi khoảng 100 ngày, tính ra lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Tuy nhiên, theo các DN, mức lãi trên có được khi nuôi an toàn, tận dụng được thức ăn, phụ phẩm… giá rẻ. Nếu đàn bò “dính” dịch bệnh, thì thiệt hại rất lớn. Chẳng hạn, mỗi con bò ăn tốn khoảng 40-50 nghìn đồng/ngày. Khi có dịch bệnh, bò ăn nhưng không lên cân, nên số tiền đó sẽ mất.
Trong khi đó, Ông Vương Xuân Hiến, đại diện công ty TNHH Liên hợp công-công nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Đắk Lắk) cho biết, công ty của ông đang nhập bò Úc về vỗ béo giết mổ và bò sinh sản. Trong hai đợt vừa qua, công ty đã nhập trên 3 nghìn con.
Theo ông Hiến, gần đây, xu hướng nhập bò Úc đang chững lại, vì lượng bò nhập về trước đây chưa bán hết. Trong khi đó, thịt bò Úc đang bị cạnh tranh rất lớn vì bò nhập tiểu ngạch từ Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan…
|
Bò ngoại một thời ùn ùn về Việt Nam. |
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện thịt bò chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thực phẩm cho bữa ăn, trong khi thế giới là gần 30%. Do nhu cầu lớn, nên việc nhập khẩu thịt bò, trong đó có Úc là đương nhiên. Theo ông, hiện Việt Nam có trên 5 triệu con bò, mỗi năm phải giết thịt trên 1,5 triệu con, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu từ Úc 360 nghìn con bò sống, từ Thái Lan 56.000 con, Lào khoảng 7.000 con…Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 71.000 con bò từ Úc.
Theo ông Vang, hiện các DN Việt Nam đang phải chi khoảng 3,1 USD/kg thịt bò sống nguyên con từ Úc. Tuy nhiên, xu hướng nhập thịt đông lạnh đang tăng, khi giá thấp hơn, khoảng 3,05 USD/kg thịt có xương, tuỳ từng thời điểm.
Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam là nước nhập bò từ Úc lớn thứ 3 trên thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc.
Việt Nam nhập bò từ Úc có nhiều loại, có con già yếu, trọng lượng lớn mang về giết mổ luôn. Còn lại, phần lớn là bò loại 16-18 tháng tuổi (nặng khoảng 250-280 kg/con), nhập về vỗ béo khoảng 100 ngày sau lên khoảng gần 500 kg mới giết mổ.
Tuy nhiên, ông Chinh cho rằng, nếu chúng ta chỉ nhập bò loại thải, hoặc nhập bò trọng lượng lớn về giết thịt ngay rất rủi ro về môi trường, dịch bệnh và hầu như các nước không nhập loại này. “Hầu hết các nước họ chỉ nhập giống, không nhập về giết thịt trực tiếp. Và nếu cần, họ nhập trực tiếp thịt đông lạnh về chứ không cho nhập bò về giết mổ luôn như ta”- ông Chinh nói.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, về lâu dài, DN phải chủ động nhập giống từ các nước, trong đó có nhập từ Úc, Canada, Mỹ… để từng bước chọn tạo, nhân giống, hạn chế nhập khẩu bò thịt.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, nguồn bò từ Thái Lan, Myanmar, Lào, Ấn Độ… đang cạn dần, hơn nữa, việc kiểm soát dịch bệnh rất khó. Bộ NN&PTNT cho biết, DN cần tìm hiểu các thị trường khác như các nước Nam Mỹ là Brazil, Columbia, Argentina… vì ở đây có nguồn bò lớn.
“Ở Việt Nam bao giờ cũng thế, thấy ngon, lúc đầu cứ làm ào ào theo phong trào, sau đó, do sức ép về cạnh tranh, mới đi vào thực chất. Bây giờ, DN nhập bò đã có sự thay đổi. Thay vì nhập về chuyên vỗ béo, giết thịt, họ đã nhập bò về làm giống, sinh sản. Đây là bước chuyển quan trọng, hạn chế mất ngoại tệ để nhập bò”.
Theo Phạm Anh (Tiền Phong)