Hết hạn sử dụng chung cư 50 năm, người dân có mất nhà?

30/05/2022 11:14:55

"Nếu như hết hạn sử dụng chung cư thì người mua nhà sẽ mất trắng toàn bộ số tiền cả bạc tỷ?" Đó là nỗi lo của rất nhiều người khi lựa chọn mua chung cư để ở.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến, việc cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn “chỉ từ 50-70 năm” thay vì có thời hạn “lâu dài” như hiện nay. Đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi, bởi đây là một vấn đề dân sinh rất lớn, có thể ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong tương lai.

Trước đó, vấn đề sở hữu chung cư bao nhiêu năm cũng đã từng gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định sở hữu chung cư cần có khoảng thời gian nhất định khi thực tế, những khu nhà chung cư cũ đã xuống cấp trầm trọng đang gặp khó khăn trong vấn đề xử lý. Vô tình, những khu nhà ổ chuột hình thành ngay tại các thành phố lớn.

Chia sẻ về vấn đề này với Nhịp Sống Kinh Tế, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn chỉ ra, nhiều chung cư cũ xuống cấp tại khu vực điển hình như Thành Công, Nguyễn Công Trứ, nhưng vấn đề cải tạo không hề dễ dàng vì người dân không chấp nhận mức đền bù đưa ra.

Vị chuyên gia này cho rằng, người dân quen với cách tư duy nhà nhà chung cư sở hữu vô thời hạn, để đời đời cho con cháu, hay khi đập đi xây lại họ sẽ được đền bù rất cao.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, công trình đã hết niên hạn sử dụng chỉ nên phá đi xây lại chứ không thể sửa chữa được. Đúng là tâm lý người dân có thể hoang mang, nhưng nếu để họ sử dụng vĩnh viễn căn hộ, chúng ta sẽ lại rơi vào tình trạng những khu nhà tập thể xưa cũ xập xệ mà thôi.

Cũng theo ông Võ, hạn sử dụng mỗi chung cư chỉ nên 50 - 70 năm tùy theo chất lượng xây dựng của từng công trình.

Hết hạn sử dụng chung cư 50 năm, người dân có mất nhà?
Ảnh minh họa. Ảnh Nhịp Sống Kinh Tế

Phía Bộ Xây dựng cũng khẳng định trường hợp áp dụng phương án cấp sổ hồng có thời hạn thì sau khi hết kỳ hạn, các cơ quan chức năng sẽ kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư. Nếu bảo đảm về chịu lực, an toàn cho sử dụng sẽ gia hạn thời gian sử dụng căn hộ, không có chuyện “đuổi” người dân ra khỏi căn hộ, thông tin trên TTXVN.

Tuy vậy, đề xuất trên của Bộ Xây dựng cũng khiến giới chuyên gia và rất nhiều người dân đang sinh sống tại các căn hộ chung cư, cũng như các doanh nghiệp bất động sản chuyên đầu tư phân khúc nhà chung cư không khỏi lo lắng, băn khoăn.

Dù đã chuyển về ở trong căn hộ chung cư cao cấp tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã hơn 2 năm nay nhưng chị Phương vẫn thấp thỏm về cuốn sổ hồng và không biết khi nào mới được cấp. Nhiều lần cần sổ để vay vốn, chị Phương có đến chủ đầu tư tìm hỏi thì được trả lời đang chờ các cơ quan chức năng giải quyết. Tìm hiểu chị Phương mới biết, trước đây tòa chung cư chị ở được quy hoạch là tòa nhà văn phòng sau này được chủ đầu tư chuyển đổi công năng sang căn hộ officetel.

"Tòa chung cư tôi đang ở có 40 tầng. Từ tầng 3-34 sổ hồng 50 năm đối với người Việt Nam, Hợp đồng thuê 50 năm với người nước ngoài. Riêng từ tầng 35-40 là căn hộ để ở sở hữu sổ hồng lâu dài và chủ sở hữu được đăng ký hộ khẩu. Căn hộ tôi mua ở tầng 10, dù các căn sở hữu lâu dài đã có sổ hồng nhưng hàng trăm căn hộ chung cư 50 năm như gia đình tôi tại đây vẫn mòn mỏi chờ đợi", chị Phương cho biết trên Tiền Phong.

 

Trong khi đó, anh Phan Văn Hợp (ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) chia sẻ với TTXVN, anh đang làm nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy ở Hà Nội với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này sẽ mất nhiều năm nữa anh mới có thể mua được nhà trả góp, chưa kể sẽ mất thêm nhiều năm để trả nợ.

Điều anh Hợp lo lắng nhất là nếu đề xuất áp niên hạn sử dụng căn hộ chung cư được thực thi, khi trả nợ xong thì quyền sử dụng căn hộ của anh cũng gần hết. “Như vậy là sau 50-70 năm sở hữu, tôi sẽ mất nhà?” anh Tuấn băn khoăn.

Từ góc độ chuyên gia, TTXVN dẫn lời tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng để đảm bảo lợi ích cho người dân, Bộ Xây dựng nên nói rõ điều gì sẽ xảy ra sau khi sổ hồng hết hạn. Khi đó, căn hộ sẽ bị phá bỏ thì người dân có được cấp quyền sử dụng căn hộ mới hay sẽ bị tước luôn quyền sở hữu tài sản?

Theo ông Nguyên, trong trường hợp hết thời gian sử dụng 50-70 năm, nhà nước nên cấp cho người dân quyền sử dụng một căn hộ khác, được tính theo giá trị căn hộ tại thời điểm đó. Người dân có thể phải đóng thêm khấu hao và chi phí để sửa chữa, xây dựng căn hộ - điều này là hợp lý. Với những căn nhà người dân sở hữu vô thời hạn như hiện nay, coi như mua đứt bán đoạn.

Cũng theo ông Nguyên, nếu cấp sổ hồng có thời hạn, đến giai đoạn mãn hạn, nhà nước, chủ đầu tư có trách nhiệm thẩm định lại chất lượng tài sản và có phương án tiếp tục gia hạn hoặc chuyển đổi quyền sở hữu của người dân sang một căn hộ ở khu vực khác. Phương án này có thể coi như một dạng “bảo hành tài sản.”

Tuy vậy, ông Nguyên lưu ý trường hợp này cũng rất khó để đảm bảo giá trị sử dụng cho người dân, bởi không ai có thể dự báo trước thị trường trong 50-70 năm tới để định giá hoặc cam kết giá trị tài sản chuyển đổi. Khi đó, căn hộ giá trị bao nhiêu, chuyển đổi tương ứng ra sao sẽ do thị trường quyết định.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng cấp sổ hồng có thời hạn cho căn hộ chung cư cần đi kèm với các quy định nếu hết thời hạn sử dụng nhưng công trình chung cư vẫn còn sử dụng được thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm gia hạn thời gian sử dụng nhà cho người dân, tùy theo kết quả kiểm định tại thời điểm đó.

Trường hợp với các chung cư không đủ an toàn thì phải xây dựng lại; những khu chung cư đã cấp quyền sử dụng lâu dài trước thời điểm Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thì cần tôn trọng những gì lịch sử để lại, không được hồi tố./.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật