Trước thềm Tết Nguyên đán 2019, nhiều làng nghề tập trung vào sản xuất những sản phẩm hình con lợn, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong năm Kỷ Hợi.
Chị Thái Nga (Thường Tín, Hà Nội), chủ một xưởng chuyên sản xuất heo gỗ cho hay, đến tháng 11 âm lịch, hầu như hàng tại các xưởng đều hết sạch. Sản phẩm làm ra đến đâu là khách lấy đến đó, nhiều nhà phải dự trữ hàng từ mấy tháng trước nhưng vẫn không đủ cung ứng cho khách.
Các xưởng làm heo gỗ đều phải đẩy nhanh công suất, tăng thời gian làm đêm để kịp tiến độ. Chị Nga cho biết, xưởng nhà chị gần 2 tháng nay hoạt động không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm. Sản xuất ra đến đâu, chị sẽ đóng hộp chuyển ngay cho khách, trung bình mỗi đợt đóng từ 50-100 đơn, tương đương 50-100 cặp heo.
“Mỗi mẻ tạo hình heo gỗ bằng máy sẽ mất khoảng 3-4 tiếng, sau đó thêm nửa tiếng hoàn thiện từ khâu đánh giấy ráp, sửa lỗi, bôi keo, phun sơn mới chính thức ra lò”, chị Nga chia sẻ.
Giá cho mỗi cặp heo gỗ dao động từ 400.000 đến 2 triệu đồng, dòng heo gỗ khổng lồ cao 50-100cm sẽ được bán với giá 8-15 triệu/cặp. Mẫu heo có chạm khắc, họa tiết sẽ đắt hơn heo loại trơn từ 200.000-300.000 đồng/cặp. Đối với những đơn hàng lớn, có thiết kế phức tạp, cầu kỳ khách đều phải đặt trước cả tháng.
Chị Nga cho biết: “Thường khi đi mua heo gỗ, khách sẽ mua cả đôi chứ ít khi mua lẻ từng con, bởi ý niệm trên đời cái gì cũng có đôi có cặp. Bởi thế mà các xưởng đều sản xuất heo gỗ theo đôi chứ ít khi làm lẻ. Cách nhận biết cũng tương đối đơn giản, 2 chú heo nào quay mặt, chúc đầu vào nhau thì ắt hẳn là một đôi”.
Gỗ làm heo thường là gỗ hương. Dòng gỗ này có mùi thơm nhẹ, vân đẹp khi phun sơn, tạo hình sẽ có độ bóng, căng chuẩn, sắc nét. Trung bình cứ 12kg gỗ hương sẽ tạo ra được 4 chú heo gỗ.
Cùng chung không khí náo nhiệt, làng nghề chuyên làm heo sứ ở Bát Tràng (Hà Nội) cũng nhộn nhịp, tấp nấp khách mua bán dịp cận Tết Nguyên Đán. Các xe tải từ các tỉnh thành nối đuôi nhau trước các cửa hiệu chuyên sản xuất con giống sứ chờ đến lượt lấy hàng.
Chị Nguyễn Thảo (Bát Tràng, Hà Nội) cho hay, năm nay là năm con ỉn vàng nên các vật dụng hình con heo rất được ưa chuộng, đặc biệt các các chú heo sứ mạ vàng hay cõng trên lưng chữ tài lộc.
Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, các dòng heo sứ được đa dạng hóa từ mẫu mã cho đến màu sắc, kích thước, kiểu dáng. Đặc biệt, nhiều dòng heo mini xuất hiện để phù hợp với dân văn phòng, nơi khuôn viên nhỏ hẹp. Các yếu tố hoạt hình như người nhện, mèo Kitty, gấu Panda… được đưa vào làm họa tiết để thu hút khách hàng.
Chị Thảo nói: “Các chú heo thường có màu sắc tươi sáng, nổi bật, bắt mắt bởi con vật này có vẻ ngoài đáng yêu, dễ mến nên rất được lòng người. Kết hợp tạo hình như vậy sẽ khiến mọi thứ trở nên hài hòa, suôn sẻ để năm mới luôn may mắn, an khang”.
Giá heo sứ được chia làm nhiều phân khúc để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Đối với những dòng heo sứ mini, giá dao động từ 20.000-100.000 đồng/con, cỡ trung bình từ 100.000- 300.000 đồng/con, cỡ lớn khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng/con. Đặc biệt, dòng heo sứ mạ vàng có giá từ 2-3 triệu đồng mỗi con.
Theo Hoàng Dung (VietNamNet)