Giảm gửi tiền ngân hàng
Số liệu mới nhất liên quan đến tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo đó tháng 1, người dân rút khỏi hệ thống ngân hàng 34.643 tỷ đồng, là tháng thứ hai liên tiếp người dân rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng.
Tháng liền trước đó, người dân rút 61.643 tỷ đồng khỏi hệ thống. Diễn biến này trái ngược năm 2023 khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng liên tục cho đến tháng cuối năm mới đảo chiều.
Lãi suất tiết kiệm tính đến cuối tháng 1 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Không nhiều ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất 5%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng. Đà giảm lãi suất kéo dài từ tháng 4/2023 khiến lãi suất tiết kiệm xuống đáy, thậm chí thấp hơn giai đoạn dịch COVID-19. Nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi thấp kỷ lục.
Đến hết tháng 1, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm ngoái.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng hiện đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm 2,41% so với cuối năm ngoái, tức giảm 165.189 tỷ đồng trong một tháng, dù trước đó tăng liên tục.
Tính chung, tiền gửi của cả dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết tháng 11/2023 đạt gần 13,2 triệu tỷ đồng.
Các kênh đầu tư khác hút tiền
Vàng, chứng khoán hay bất động sản thường được xem là những kênh đầu tư thu hút nhiều người "xuống tiền", với mục tiêu cất giữ hay thu lời từ các khoản nhàn rỗi. Xét từ đầu năm đến nay, vàng đang sinh lời tốt nhất trong số các kênh đầu tư.
Hiện, giá vàng miếng SJC trong nước lập đỉnh trên 85 triệu đồng mỗi lượng, trong khi nhẫn trơn cũng lên 76 triệu đồng/lượng. So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng gần 15%, còn nhẫn tăng hơn 20%.
Giá vàng trong nước tăng bởi nguồn cung hạn chế của thị trường trong nước, nhu cầu tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm và đà tăng của giá vàng thế giới.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trương Hoàng Diệp Hương - chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - cho biết, trong quý I, giá vàng, chứng khoán và bất động sản đều chứng kiến đà tăng mạnh.
Theo bà Hương, người dân đổ tiền dư thừa vào các tài sản tài chính thay vì tiền gửi ngân hàng, trong tương quan so sánh giữa lãi suất huy động với lợi tức từ đầu tư.
Tại cuộc tọa đàm mới đây, TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia tài chính chia sẻ, từ trước đến nay chúng ta thường sử dụng bất động sản chỉ để ở, như vậy sẽ không tạo ra dòng tiền. Hiện nay, kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn là cho thuê bất động sản, đặc biệt cho người nước ngoài thuê với giá cao rồi đi thuê nơi khác để ở.
Đối với khái niệm nhà ở dòng tiền, đầu tiên phải có người sở hữu, không sử dụng mà khai thác bằng cách cho thuê, tạo ra một nguồn thu nhập.
"Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán, trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người đợi lâu để đầu tư. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản", ông Ánh cho hay.
Dạng thứ hai cần phát triển là sở hữu bất động sản và cho thuê. Phân khúc đi thuê và cho thuê lại, không quan tâm sự thanh khoản, mà tạo ra dòng tiền liên tục, và dòng tiền càng lớn càng tốt.
Chứng khoán cũng là kênh vốn thường được nhắc tới khi lãi suất thấp. Việc rót tiền vào chứng khoán giúp nhà đầu tư mang lại lợi nhuận tốt hơn gửi tiết kiệm.
Số lượng tài khoản mở mới tăng đều trong 3 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh giao dịch sôi động; cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư với kênh vốn này. Riêng tháng 3, số mở mới đạt hơn 160.000 tài khoản.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)