Khách hàng không đủ tiền nộp vào hệ thống được giới thiệu sang công ty khác để vay với lãi suất ngày là 2.500 đồng cho một triệu tiền vay.
Cuối buổi, bên tổ chức cho biết để đủ điều kiện tham gia bán đá quý trong công ty, chị Lan phải nộp số tiền 13,6 triệu đồng. Họ cũng hứa hẹn khi là thành viên, chị sẽ được tặng một bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hưởng các ưu đãi như mã mua hàng giảm giá trên mạng, được chiết khấu khi dùng dịch vụ tại công ty đá quý cũng như một số bệnh viện, spa... trong hệ thống.
"Tôi đặt câu hỏi về số tiền nộp thì họ giải thích mặt hàng đá quý có giá trị lớn nên yêu cầu đặt cọc. Hơn nữa, có như vậy thì tôi mới được hưởng các ưu đãi giảm giá, chiết khấu. Lúc ấy, người bạn vẫn giữ điện thoại nên tôi cũng không thể gọi để tham khảo ý kiến người nhà", chị cho hay.
|
Hình ảnh sản phẩm chị Lan nhận được sau khi nộp tiền vào Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Ảnh: Báo Đời sống Pháp luật |
Khi nói không mang đủ tiền, chị Lan được nhân viên công ty dẫn đến gặp người tự giới thiệu là quản lý của cơ sở. Người này nói sẽ bảo lãnh, giới thiệu cho chị vay tiền ở một công ty gần đó với mức lãi suất hằng ngày là 2.500 đồng cho mỗi triệu đồng tiền vay.
Ngần ngại về lãi suất khá cao đối với một sinh viên như mình song chị Lan được đại diện cơ sở đảm bảo có thể kiếm đủ tiền trả khoản vay (hơn 14 triệu đồng cả gốc và lãi) trong vòng 15 ngày khi vào làm việc tại công ty.
"Sau khi hoàn tất các thủ tục nộp tiền, tôi bị người của cơ sở giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân và ép ký vào những giấy tờ trống, không có hợp đồng nào cả. Khi tôi thắc mắc thì họ nói cứ ký đi rồi giải thích, song sau đó vẫn không nhận có bất kỳ câu trả lời nào", khách hàng này cho hay.
Chị ra về với một bộ quà tặng là 2 hộp phấn và một chiếc áo lót được quảng cáo là dùng công nghệ nano, giúp massage chăm sóc sức khoẻ... "Họ nói mang về dùng và giới thiệu cho người quen, song trước khi đưa cho tôi, họ lại xé hết nhãn mác trên túi đựng sản phẩm", chị Lan cho hay.
Sau khi biết doanh nghiệp bán hàng đa cấp được giới thiệu là Thiên Ngọc Minh Uy đã bị rút giấy phép trong lĩnh vực này, chị Lan quay lại nơi nộp tiền hôm trước để đòi lại thì được nhân viên thông tin công ty vẫn hoạt động bình thường. Sau đó đến đầu tháng 5, người này lại gọi chị lên và yêu cầu ký vào các hợp đồng bán hàng đa cấp với Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm.
“Tôi thấy đây là việc làm không rõ ràng, xin rút lại các giấy tờ liên quan thì nhân viên công ty nói phải lên trụ sở chính trên đường Đồng Bông, quận Cầu Giấy (vốn được biết đến là trụ sở của Thiên Ngọc Minh Uy). Họ nói tôi sẽ không lấy lại được toàn bộ số tiền và phải trả lãi tối thiểu 10 ngày”, chị Lan nói và cho biết sau đó đã liên tục nhắn tin, gọi điện cho công ty nhưng cũng chưa được giải quyết.
|
Dù chưa được Cục Quản lý Cạnh tranh cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp cho đến hết tháng 4/2017, song hợp đồng ký với người tham gia của Nhã Khắc Lâm vào ngày 2/5 lại khẳng định đơn vị này đủ điều kiện hoạt động. Ảnh: Ngọc Tuyên |
Trước đó, sau khi Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy phải chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp, nhiều nhân sự và hoạt động của doanh nghiệp này đã chuyển sang một đơn vị khác là Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm, vốn vừa xin hoạt động trở lại nhưng chưa được cấp phép đầy đủ.
"Do chưa hoàn thành thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nên Công ty Nhã Khắc Lâm chưa được phép tổ chức kinh doanh loại hình này", Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.
Liên quan đến hoạt động của Nhã Khắc Lâm, chiều 9/5, Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ chủ trì để xác minh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp của Nhã Khắc Lâm.
Lãnh đạo ngành cũng yêu cầu đoàn kiểm tra cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các địa phương làm việc với Công ty Nhã Khắc Lâm để xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm. Kết quả của việc kiểm tra này cần được báo cáo trước ngày 15/5.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)