Kể từ đầu tháng 6, toàn bộ các hãng hàng không bao gồm: Vietnam Airlines , Bamboo Airways, Vietjet Air, Jetstar Pacific đều đã được khôi phục lại toàn bộ đường bay trong nước mà không phải chịu bất cứ quy định "giới nghiêm" nào về tần suất chuyến bay hay tỷ lệ khách trên mỗi chuyến.
Kết quả này là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn bộ hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống COVID-19 khi đến nay đã 51 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, người dân được khuyến khích đi du lịch để "ủng hộ" ngành du lịch, hàng không Việt.
Ngay lập tức, cuộc chiến "giá vé" giữa các hàng hàng không được nổ ra với mức giá rẻ chưa từng có trong lịch sử, nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng và mong muốn tỷ lệ lấp đầy trên mỗi chuyến bay càng cao càng tốt.
Có thể nói, chưa thời điểm nào mà người tiêu dùng lại có nhiều sự lựa chọn bay nội địa với mức giá "vừa túi tiền" như giai đoạn hiện nay.
Thông thường, thị trường hàng không Việt Nam được chia theo nhiều mức giá, trong đó Vietnam Airlines có mức giá vé trung bình cao nhất thị trường, Vietjet Air định hướng là hàng không giá rẻ và Bamboo Airways tuy mới tham gia thị trường nhưng đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về chất lượng dịch vụ và giá vé phải chăng.
Đơn cử như chuyến bay Hà Nội - TP.HCM dịp cuối năm 2019, mức giá thấp nhất của Vietnam Airlines giao động ở mức từ 2,5-2,8 triệu đồng/vé khứ hồi hạng phổ thông (bao gồm 23 kg hành lý ký gửi) và từ 1,9-2,4 triệu đồng hạng vé Phổ thông tiết kiệm không bao gồm hành lý ký gửi.
Với mức giá thấp hơn, Bamboo Airways cung cấp mức giá khoảng 1,7-1,9 triệu đồng hạng Bamboo Plus bao gồm 20kg hành lý ký gửi và 1,3-1,5 triệu đồng/vé khứ hồi hạng vé giá rẻ Bamboo Eco (không bao gồm hành lý ký gửi), mức giá này tương đương hạng vé giá rẻ của Vietjet Air hay Jetstar Pacific.
Điểm khác biệt là giá vé của Vietnam Airlines và Bamboo Aiways đã bao gồm phục vụ bữa ăn trên máy bay còn của Vietjet Air và Jetstar Pacific chưa bao gồm dịch vụ này.
Chênh lệch giá vé chỉ còn tính bằng nghìn đồng
Tuy nhiên, đến nay sự khác biệt về mức giá không còn tính bằng "triệu đồng" mà giảm xuống chỉ còn "nghìn đồng" hay "vài chục nghìn đồng".
Theo các chương trình kích cầu vừa được đưa ra, Vietnam Airlines tung hàng loạt vé 99.000 đồng cho tất cả các chặng bay nội địa, Bamboo Airways đưa ra chương trình "Chợ phiên cuối tuần" với giá vé từ 45.000 đồng, Jetstar Pacific kích cầu bằng mức giá khởi điểm từ 11.000 đồng, Vietjet Air tung vé 0 đồng sau đợt khuyến mại 9.000 đồng.
Như vậy, giá vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TP.HCM dành cho một hành khách ở thời điểm tháng 6 chỉ giao động trong khoảng 1,05 triệu đồng - 1,3 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí), số lượng vé cũng còn khá nhiều và người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn giờ bay phù hợp.
Mức giá này bao gồm: Giá vé, phụ thu quản trị hệ thống, phí dịch vụ hành khách nội địa, phí soi chiếu an ninh hành khách và hành lý, thuế giá trị gia tăng,... Trong đó giá vé của các hãng hàng không chỉ giao động trong khoảng từ 0 đồng - 99.000 đồng.
Cuộc đua giảm giá sớm có hồi kết?
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5/2020, lượng khách qua cảng trên cả nước đạt 2,88 triệu khách, giảm 70% so với cùng kỳ của năm 2019 song đã tăng cao so với tháng 4/2020. Do đó, cuộc đua giảm giá vé máy bay được dự đoán sẽ sớm có hồi kết khi thị trường hồi phục.
Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways hiện là hãng hàng không có tỷ lệ khôi phục số chuyến bay so với cùng kỳ năm ngoái cao nhất. Theo đó, chỉ tính riêng giai đoạn từ ngày 19/4 - 18/5, giai đoạn ngay sau thời kỳ giãn cách, số chuyến bay của hãng đã đạt 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ này đối với toàn thị trường là 29,9%, Vietnam Airlines là 33,6%, Vietjet Air là 30,8% do trong năm 2019, số chuyến bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air đều ở mức rất cao, lên đến trên 10.000 chuyến bay mỗi tháng.
Đặc biệt, theo thông báo từ Vietnam Airlines, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, 29/5 là ngày đầu tiên số chuyến bay nội địa của hãng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Vietnam Airlines tăng 36% và đạt trên 300 chuyến bay trong ngày 29/5 và chính thức khôi phục hoàn toàn số chuyến bay nội địa so với cùng kỳ 2019.
Sự trở lại mạnh mẽ của vận chuyển nội địa cũng giúp hãng đạt tổng số chuyến bay khai thác trên toàn mạng trong ngày 29/5 gần như tương đương với năm trước là hơn 350 chuyến bay chở khách và chở hàng hóa.
Như vậy, có thể thấy với những chương trình kích cầu mạnh mẽ tới từ các hãng hàng không, lượng khách nội địa trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng trưởng trở lại. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để các hãng hàng không "tự cứu" lấy mình trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 và không ai khác chính người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi.
Theo Hạ An (Bizlive.vn)