Dạo quanh các tuyến đường Cầu Giấy, Thái Hà, Chùa Bộc… không khó để tìm thấy các cửa hàng thời trang treo biển giảm giá sâu với con số từ 30 - 50%, thậm chí đến 70% tất cả các mặt hàng.
Tuy nhiên, khi trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng này, nhiều khách hàng tỏ ra thắc mắc khi hầu hết các sản phẩm giảm giá đều có yêu cầu kèm theo. Tùy vào mức ưu đãi, phần trăm càng lớn thì yêu cầu càng nhiều.
Đáng chú ý, không chỉ những nhãn hiệu mới mà ngay cả những thương hiệu đã có uy tín trên thị trường cũng đã sử dụng hình thức này. Một trong những cửa hiệu áp dụng hình thức giảm giá đến 70% tại hầu hết các cửa hàng là FORMAT.
Tại cơ sở ở đường Cầu Giấy, khi được hỏi về chương trình giảm giá 70% cho các sản phẩm, nhân viên tư vấn xác nhận rằng: "Chương trình giảm giá 70% cho trang phục nam chỉ được áp dụng khi có hóa đơn 1 triệu đồng với trang phục nữ".
Với chiêu treo biển giảm giá tới 70% tất cả các mặt hàng, FORMAT dễ dàng thu hút sự quan tâm của những tín đồ thời trang đang săn các mặt hàng sale. Nhưng sự thật phía sau khiến khách hàng khi đến mua cảm thấy hụt hẫng và thất vọng.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình và Xã hội, nhân viên tại cửa hàng tư vấn: "Khi mua quần âu, áo len hay một số các sản phẩm khác với hóa đơn trên 1 triệu thì sẽ được giảm giá 70%, các mặt hàng còn lại hiện đang giảm 30%". Một vài mặt hàng khác như áo sơ mi, giày chỉ được giảm giá khi khách hàng đã cài đặt ứng dụng của FORMAT.
Treo biển giảm giá tới 70%, không thêm chú thích nhưng thực chất lại chỉ áp dụng với một số mặt hàng hoặc hóa đơn phải đạt giá trị nhất định. Những "mánh khóe" dụ dỗ khách hàng vào "bẫy sale" thường xuyên được áp dụng vào những ngày hội giảm giá như 20/10, 11/11 hay Black Friday….
Dù đây là những chiêu trò buôn bán không còn quá lạ nhưng vẫn có hàng loạt khách hàng "mê" sale dễ dàng sập bẫy. Hệ thống các cửa hàng của thương hiệu thời trang FORMAT chỉ là một ví dụ trong số hàng loạt những shop thời trang khác sử dụng chiêu trò tương tự hoặc thậm chí khôn ngoan hơn.
Tương tự, tại shop thời trang nam "360 Boutique" ở 20 Dương Quang Hàm, Cầu Giấy cũng áp dụng chiến lược maketing này để lôi kéo khách hàng.
Bạn Nguyễn Phương Thảo (sinh viên năm hai, Học viện Báo chí Tuyên Truyền) chia sẻ khi đến mua hàng tại đây: "Em thấy cửa hàng treo biển giảm tới 70% nên tới mua quà tặng sinh nhật bạn.
Nhưng khá hụt hẫng khi vào cửa hàng thì chỉ toàn biển treo 10%, 20%, 30% thôi. Em có hỏi nhân viên bán hàng những mặt hàng nào giảm 70% thì được chỉ ở một góc nhỏ của shop nhưng chất lượng sản phẩm thì kém nên em không mua nữa".
Việc khách hàng vào mua với sự hào hứng, hy vọng sẽ đem về được những sản phẩm chất lượng, giá rẻ nhưng khi ra về lại thất vọng mà chẳng mua được gì là tình trạng quá quen thuộc trong những ngày "bão sale" này.
Tại shop "Denimist" ở 20 Trần Thái Tông cũng trong trình trạng khách hàng thì vào đông nhưng doanh thu thì tỷ lệ nghịch với điều đó vì giá sản phẩm khác với những gì đã quảng cáo.
Khi được hỏi về việc điều kiện gì thì khách hàng sẽ được giảm sâu từ 50-70% thì nhân viên trả lời: "Tất cả những sản phẩm giảm giá bên em đã treo biển lên rồi, anh chị xem trực tiếp tại các gian hàng".
Nhưng thực tế, khi nhìn xung quanh cửa hàng thì chỉ có giảm 10%, 20% mỗi sản phẩm mà mặc nhiên không có bất kỳ sản phẩm nào giảm đến 50% như quảng cáo ở ngoài cửa hàng.
Tăng giá rồi mới giảm giá, treo biển "up to" nhưng lại bán "down to"…, tất cả những chiêu trò đó tuy đã được đề cập tới nhiều lần nhưng vẫn không ngừng tiếp diễn vào mỗi đợt giảm giá lớn.
Vì thế, khách hàng đam mê hàng sale cần đủ lý trí để phân biệt được đâu là giảm giá "ảo", đâu là giảm giá thật tránh rơi vào những tình trạng "dở khóc dở cười", "phát điên mà không biết than ai" khi săn sale.
Theo Huy Hoàng (Giadinh.net.vn)