Hàng Việt đắt khó tin: Sấu bán giá đắt gấp 10, vú sữa 2 triệu đồng/hộp

22/12/2021 08:15:01

Dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng 2021 là năm đặt dấu mốc quan trọng khi nhiều loại đặc sản Việt đột phá tại trời Tây. Củ gừng, quả vải, nhãn,... không chỉ có giá bán cao đến khó tin mà còn thành hàng hot, là món quà quý.

Vải thiều gây sốt toàn cầu

Bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2021 tiếp tục là năm bùng nổ của quả vải thiều Việt Nam - mở đầu cho một năm đặc sản Việt ghi dấu ấn tại chợ thế giới.

Tại đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản, loại quả đặc sản thơm ngon của Việt Nam được bày bán tại hơn 300 quầy kệ siêu thị với giá lên tới 350.000-500.000 đồng/kg. Lô hàng vải thiều đầu tiên sang Nhật đã “cháy hàng” sau vài giờ mở bán. Đáng nói, quả vải thiều tươi Việt Nam được trao đổi thường xuyên và trở thành “câu chuyện làm quà” tại các buổi tiếp xúc với đối tác Nhật Bản.

Hàng Việt đắt khó tin: Sấu bán giá đắt gấp 10, vú sữa 2 triệu đồng/hộp
Không chỉ thành câu chuyện làm quà ở Nhật, vải thiều Việt Nam còn gây sốt toàn cầu

Thị trường Nhật rất “chảnh”, người Nhật rất sành, đòi hỏi cao, quả vải thiều có được "tín chỉ" vào Nhật đã tự nhiên tạo hiệu ứng khiến Singapore nhập theo, sau đó đến thị trường EU, Úc...

Tại phiên đấu giá hồi giữa tháng 6/2021, ở TP. Perth của Úc, một hộp quả vải tươi Việt Nam duy nhất được mua với giá 3.000 AUD (tương đương gần 52 triệu đồng). Trong khi đó, quả vải thiều cũng có giá cao, lên tới 500.000 đồng/kg tại một số thị trường khó tính ở châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan,... và được người tiêu dùng chuộng mua.

Xoài xanh bán giá 300.000 đồng/kg tại Úc

Ngay sau vải thiều Việt, quả xoài xanh của nước ta tiếp tục xuất hiện trong chương trình "Ẩm thực xoài xanh, phong vị quê hương" do Thương vụ Việt Nam tại Úc triển khai.

Đáng nói, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp, quả xoài bế tắc đầu ra, giá nhiều nơi giảm xuống chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg thì xoài xanh sang Úc bán được với giá gần 300.000 đồng/kg. Mức gia cao đến khó tin, đồng thời mở ra “cánh cửa” cho loại quả này của nước ta vào thị trường Úc.

Xoài xanh không những được bày bán tại siêu thị mà còn được một số chuỗi nhà hàng tại Sydney đưa vào thực đơn, tình nguyện quảng bá, tiếp nhận đặt mua và giao xoài tận nơi cho khách hàng.

Nhãn lồng Việt sang châu Âu giá 0,5 triệu/kg

Vào mùa thu hoạch năm nay, thay vì chỉ bán trong nước hay xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, những lô nhãn lồng Việt Nam được đóng hộp đẹp, lên đường sang các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Anh...

Từ Việt Nam, quả nhãn sau khi thu hái sẽ được sơ chế, đóng hộp với đầy đủ mã truy xuất nguồn gốc, bảo quản ở nhiệt độ và độ ẩm tiêu chuẩn. Khi lên quầy kệ siêu thị, giá bán lẻ 1kg nhãn lồng tới người tiêu dùng châu Âu là 18 Euro (490.000 đồng), cao gấp 15-20 lần giá bán nội địa.

Hàng Việt đắt khó tin: Sấu bán giá đắt gấp 10, vú sữa 2 triệu đồng/hộp - 1
Nhãn lồng Việt Nam tại thị trường EU có giá gần 500.000 đồng/kg

Năm nay, nhãn lồng Việt cũng xâm nhập vào thị trường Singapore để phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp với mức giá 220.000 đồng/kg.

Một doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ, năm 2021 có xuất nhãn sang châu Âu, Mỹ và một vài thị trường tại châu Á để thăm dò. Tín hiệu nhận được tốt hơn kỳ vọng rất nhiều nên sẽ đẩy mạnh liên kết với các vùng sản xuất để mùa vụ 2022 đưa khối lượng lớn nhãn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp này.

Củ gừng "tấn công" thị trường Úc

Không chỉ các loại quả, giữa tháng 7 năm nay, củ gừng đông lạnh của Việt Nam tiếp tục tấn công thị trường Úc với giá khoảng 9-13 AUD/kg (tương đương 155.000-220.000 đồng/kg). Điều này khiến nhiều người bất ngờ, bởi gừng là loại gia vị bán đầy chợ với giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi cân.

Qua khảo sát thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, giá gừng tươi tại thị trường này tăng cao, có thời điểm lên tới 860.000 đồng/kg. Úc cũng nhập khẩu rất nhiều gừng tươi.

Gừng Việt Nam không chỉ được bán tại siêu thị, cửa hàng, mà còn được bán online. 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gừng Việt Nam sang Úc tăng trưởng 1.350% so với cùng kỳ, đạt hơn 348.000 USD

Lần đầu xuất ngoại, quả sấu đem về 6,5 tỷ đồng

2021 có lẽ là năm đặc sản Việt bùng nổ tại Úc. Bởi sau quả vải thiều, xoài, củ gừng thì đến lượt quả sấu đông lạnh Việt Nam đặt chân sang thị trường.

Đáng nói, đây là loại quả vô cùng quen thuộc với người dân Hà Nội. Vào mùa, sấu được bán với giá chỉ 25.000-30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại các siêu thị ở Úc, sấu Việt Nam có giá tới 300.000 đồng/kg, gấp khoảng 10 lần giá tại thị trường nội địa.

Với mức giá cao ngất ngưởng, bán lô sấu đông lạnh 22 tấn thu về khoảng 6,5 tỷ đồng.

Hàng Việt đắt khó tin: Sấu bán giá đắt gấp 10, vú sữa 2 triệu đồng/hộp - 2
Quả sấu lần đầu sang Úc có giá 300.000 đồng/kg

Dù con số còn rất khiêm tốn, nhưng đây là điểm khởi đầu và cho thấy Úc là thị trường tiềm năng với quả sấu Việt. Thậm chí, nếu xây dựng được vùng sản xuất, loại quả đặc sản này có thể trở thành thế mạnh mới đem về hàng chục triệu USD.

Theo một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, ở Thái Lan quả me cũng phổ biến như quả sấu ở vỉa hè Hà Nội, nhưng giờ trở thành một thế mạnh xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ khổng lồ. Nếu Việt Nam cũng có một chiến lược phát triển quả sấu để xuất khẩu thì sẽ không thua kém gì quả me của nước bạn.

Vú sữa sang Mỹ giá gần 2 triệu đồng/hộp

Chốt năm 2021, quả vú sữa đặc sản của nước ta ghi dấu ấn trên đất Mỹ với giá bán lên tới 80 USD/hộp 4kg (khoảng gần 500.000 đồng/kg). Đây là mức giá bán cao nhất trong 5 năm qua khi quả vú sữa được xuất khẩu vào thị trường này.

Một đơn vị xuất khẩu tiết lộ, mỗi tuần công ty xuất khoảng 5-6 container sang Mỹ. Sau một tháng, 20 tấn vú sữa xuất khẩu sang Mỹ được người tiêu dùng nước này đặt mua hết với giá cao hơn rất nhiều.

Nhìn lại một năm đặc sản Việt bước chân ra “chợ thế giới”, dù số lượng còn khá khiêm tốn, các chuyến hàng vẫn còn mang tính chất đong đếm, song phải thừa nhận rằng, quả xoài, quả vải,... hay củ gừng, quả sấu khi lên quầy kệ siêu thị không chỉ bán được giá cao ngất ngưởng mà còn để lại ấn tượng tốt với người tiêu dùng thế giới.

Đây là tín hiệu vui, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường cao cấp này. Và nếu xây dựng được một chiến lược xuất khẩu riêng cho loại đặc sản này, đường ra “chợ thế giới” cũng sẽ bền vững hơn.

Theo T.An (VietNamNet)

 

Nổi bật