Hàng vạn tài xế lo lắng sau khi dừng ứng dụng đặt xe công nghệ

07/03/2020 09:21:51

Từ 1/4 khi nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có hiệu lực thì kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (thường gọi là xe công nghệ) cũng chấm dứt hoạt động.

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định số 146 về việc dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24 ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn "mào" taxi trên nóc xe; hoặc phải dán chữ "XE TAXI" bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe. Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1/4/2020, nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, thực hiện xong trước ngày 1/7/2021. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10/2020.

Như vậy, sau 4 năm thí điểm với 11 lần dự thảo, taxi công nghệ đã chính thức có hành lang pháp lý "cứng". Việc dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 loay hoay "cân lên đặt xuống" quá nhiều lần đã khiến cho thị trường gọi xe công nghệ không ít lần lao đao trong 4 năm thí điểm. Từ đề xuất gắn mào xe công nghệ tới kiến nghị đổi màu biển số, mỗi lần dự thảo thay đổi lại khiến hàng vạn tài xế công nghệ hoang mang.

Hàng vạn tài xế lo lắng sau khi dừng ứng dụng đặt xe công nghệ
Xe công nghệ đã chính thức được hợp pháp hóa tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Ngọc Dương

Anh Nguyễn Hồng Nhân (29 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội), một tài xế đang chạy cho ứng dụng Grab chia sẻ: Khi Bộ GTVT đề xuất xe công nghệ phải gắn mào (biển hiệu có chữ "TAXI" trên nóc xe), anh đã suy nghĩ đến việc ngưng chạy xe vì đây là xe mượn nhà chị gái, chỉ chạy lúc rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập.

"Nếu phải gắn mào thì rất bất tiện, cứ cuối tuần mang xe về quê trả cho chị lại phải tìm cách tháo mào ra, phiền. Chắc thấy quy định này bất hợp lý nên cơ quan chức năng đã thay đổi. Nhưng chưa kịp thở phào, đợt vừa rồi chúng tôi lại nghe Bộ Công an yêu cầu đổi màu biển số các xe công nghệ, xe taxi cho dễ quản lý. Quy định này cũng phiền không khác gì việc bắt gắn mào. Nói chung cứ mỗi lúc một kiểu, mỗi lúc thêm 1 - 2 quy định mới, tài xế quay chóng cả mặt", anh Nhân nói.

Một tài xế công nghệ khác là anh Nguyễn Văn Hùng (33 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Năm ngoái tôi mua ô tô để phục vụ việc đi lại của gia đình, thấy mọi người bảo đăng ký xe công nghệ để chạy kiếm thêm thu nhập nên tôi làm theo. Tuy nhiên về sau tôi mới biết, muốn kinh doanh vận tải phải có giấy phép và các điều kiện khác". Cũng theo anh Hùng, để có những điều kiện đó anh phải góp xe vào một HTX để được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải.

Hàng vạn tài xế lo lắng sau khi dừng ứng dụng đặt xe công nghệ - 1
Rất nhiều tài xế chạy xe công nghệ, taxi truyền thống lo lắng chưa biết mình sẽ hoạt động theo phương thức nào khi nghị định số 10 có hiệu lực từ ngày 1/4. Ảnh: Quang Định

Là đơn vị tham gia thí điểm, đại diện FastGo cho biết, điểm khác cơ bản theo Nghị định mới là doanh nghiệp phải xử lý là tách bạch công ty vận tải và công ty cung cấp phần mềm ứng dụng. Theo đó, nếu là công ty phần mềm chỉ cung cấp ứng dụng sẽ không được quyết định giá cước. Điểm khác nữa là chọn phương thức gắn hộp đèn taxi hay chọn hình thức xe hợp đồng. Các chủ xe tự mình quyết định chọn chạy taxi hay chạy xe hợp đồng. Nếu chạy taxi thì họ tham gia vào các hãng taxi, còn chạy hợp đồng thì họ tham gia vào các HTX.

Đứng ở góc độ đại diện cho các doanh nghiệp taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, trong tình hình tại một số tỉnh thành, số lượng taxi đang trở nên quá tải thì việc chuyển đổi xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi sang loại hình taxi sẽ khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn bởi bản thân các địa phương thuộc diện thí điểm mô hình "taxi công nghệ" lâu nay đều rơi vào tình trạng quá tải số lượng taxi.

"Ngoài ra, theo quyết định trên của Bộ GTVT, thời gian chuyển đổi từ 1/4/2020 đến trước 1/7/2021 là quá dài. Theo tính toán của chúng tôi, chỉ cần từ 3-6 tháng là đủ thời gian cho các doanh nghiệp hoàn thành cấp và đổi phù hiệu. Nếu để đến tận tháng 7/2021 mới là mốc cuối cùng để hoàn thành thì trong thời gian đó, hàng chục nghìn xe tư nhân vẫn sẽ tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Những xe này sẽ được quản lý như thế nào?", ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm.

Hàng vạn tài xế lo lắng sau khi dừng ứng dụng đặt xe công nghệ - 2
Nhiều chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi sang loại hình taxi sẽ dẫn đến quá tải số lượng taxi. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo chuyên gia Đặng Đình Đào, cùng với những quy định cụ thể trong Nghị định 10, việc lẫn lộn giữa xe công nghệ và xe taxi sẽ không còn nữa. Thay vào đó, các hãng xe công nghệ sẽ phải lựa chọn cụ thể là theo loại hình nào và sẽ chịu những quy định về điều kiện kinh doanh của loại hình đó. 

Do đó, cần có sự quy hoạch cụ thể, chi tiết hơn nữa về số lượng xe taxi tại từng địa phương, ví dụ như ở TP Hồ Chí Minh là bao nhiêu xe, Hà Nội là bao nhiêu xe cho phù hợp với hạ tầng giao thông cũng như nhu cầu của người dân. Tránh tình trạng gom hết về một mối xong vỡ trận vì không thể quản lý được.

Xe công nghệ, taxi phải dán phù hiệu, hộp đèn

Nghị định 10 cũng quy định kể từ ngày 1/4/2020, các đơn vị cung cấp phần mềm đặt xe buộc phải lựa chọn là doanh nghiệp cung cấp phần mềm hoặc kinh doanh vận tải. Loại hình xe hợp đồng điện tử như GrabCar... ngoài việc dán phù hiệu xe hợp đồng cố định ở mặt trong kính trước của xe còn phải dán cố định cụm từ "xe hợp đồng" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu là 6cm x 20cm để nhận diện và quản lý.

Đối với taxi, ngoài phù hiệu xe taxi dán cố định trên kính trước thì được quyền lựa chọn giữa việc gắn hộp đèn có chữ taxi cố định trên nóc xe hoặc dán cố định cụm từ "xe taxi" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu 6cm x 20cm.

Xe taxi được lựa chọn sử dụng đồng hồ tính tiền như hiện nay hoặc phần mềm tính tiền như xe hợp đồng điện tử.

Bộ GTVT sẽ ban hành thông tư, trong đó có quy định và hướng dẫn thống nhất việc niêm yết cho tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải, bao gồm cả việc thống nhất về màu sắc, chất liệu phản quang của cụm từ "xe taxi" và cụm từ "xe hợp đồng".

Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)