Ghi nhận thực tế chợ Đồng Xuân, các gian hàng chuyên bán vải, giày dép, vali, đồ điện tử… đều rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm. Thậm chí, vài ki ốt chuyên bán quần áo người lớn đã tạm thời đóng cửa vì người mua ít hơn người bán.
Theo chị H (một chủ hàng tầng 2) thì ngành may mặc là mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch. “Từ thiếu hàng nhập khẩu, đến việc khách đến chợ rất ít khiến các gian hàng bán vải tầng 2 rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều người còn đóng ki ốt tạm thời vì không đủ chi phí chi trả hoạt động”, chị H nói.
Một tiểu thương tại chợ cho biết, “cực chẳng đã” họ mới phải gửi đơn, tụ tập yêu cầu xem xét giá thuê ki ốt bởi khu chợ đã quá khó khăn.
Ông Hoàng Công Anh, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đồng Xuân cho biết, sau khi nhận được đơn thư của tiểu thương, Cty đã giải thích cho các hộ dân, đến nay đã có 1.399/1.851 hộ kinh doanh nộp tiền. Hiện các hộ còn lại đang tiếp tục vận động.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra còn “nóng” hơn thế khi trong bão dịch, có khả năng mức thuê ki ốt sẽ lại điều chỉnh tăng lên rất cao so với hiện tại.
Từ sau Tết, chợ Đồng Xuân thường xuyên trong cảnh người bán đông hơn người mua. Ảnh: Kim Anh- Trần Thùy
Theo lãnh đạo Cty CP Đồng Xuân, chợ Đồng Xuân là chợ truyền thống lâu đời có lịch sử hơn 100 năm, đã là nét văn hóa, điểm du lịch trọng tâm của khu phố cổ với du khách trong và ngoài nước. UBND Thành phố đặt trọng tâm hàng đầu là bảo đảm ổn định tình hình an sinh xã hội. Do đó, các kỳ điều chỉnh (5 năm), giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ luôn duy trì từ 15 – 19%.
Năm 2019, Cục thuế Hà Nội có thông báo tăng đột biến thuế đất do hạn hợp đồng thuê đất tại chợ Đồng Xuân giai đoạn 2015 – 2019 đã kết thúc. Hiện nay tiền thuê đất mỗi năm của chợ là 6,53 tỷ đồng/năm nếu theo thông báo về giá thuê đất mới sẽ tăng lên là 28,67 tỷ đồng/năm, tăng 451% so với tiền thuê đất kỳ trước, sẽ dẫn đến nguồn thu không bù đắp nổi chi phí. Kèm theo đó là phát sinh bất ổn với cả nghìn hộ đang kinh doanh ổn định tại chợ Đồng Xuân.
Cụ thể, theo ông Hoàng Công Anh, giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ Đồng Xuân được xây dựng trên nguyên tắc duy trì ổn định giá trong 5 năm theo thời hạn hợp đồng ký với các hộ kinh doanh. Trong đó, giá thuê đất là một trong những chi phí căn bản để xác định giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ.
Năm 2018, Cty triển khai xây dựng phương án điều chỉnh giá cho thuê lần thứ 5 (giai đoạn 2018 – 2023) với tỷ lệ điều chỉnh tăng trong 5 năm là 19%, tương đương với mức 35 tỷ đồng/năm. Theo hợp đồng, không thể tăng giá các hộ kinh doanh, dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động của chợ.
Theo doanh nghiệp này, đến nay các điều kiện hạ tầng của chợ ngày một xuống cấp, chi phí duy tu, nâng cấp, bảo dưỡng thiết bị PCCC đã ngốn hơn 7 tỷ đồng.
Do đó, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị Thường trực Quận ủy, UBND quận xem xét kiến nghị với thành phố cho phép chợ Đồng Xuân là mô hình đặc thù và có các chính sách phù hợp để miễn giảm tiền thuê đất tại chợ.
Về việc này, Sở Tài chính Hà Nội đã có văn bản gửi Cục thuế Thành phố Hà Nội. Trong đó đề xuất Cục thuế xem xét, đề xuất phương án tính tỷ lệ % đối với những trường hợp đang có bất cập trong thực hiện triển khai gửi Sở Tài chính làm cơ sở tham mưu sửa đổi Quyết định số 3667/QĐ-UBND ngày 7/7/2014 của UBND Thành phố.
Theo Trần Hoàng (Tiền Phong)