Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình giá cả, hàng hoá trước, trong và sau tết.
Theo đó, tại TPHCM, giá cả lương thực, thực phẩm, trái cây, rau củ quả vẫn ổn định, giảm nhẹ so với những ngày trước Tết. Các mặt hàng rau, củ quả đổ về chợ đầu mối.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ngày mùng 2 Tết tiểu thương nhập gần 150 tấn rau củ, gần 60 tấn trái cây để phục vụ người dân. Số lượng này tăng 104% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán mặt hàng tương đương ngày thường.
Số lượng trái cây về chợ đầu mối Thủ Đức, tiểu thương nhập hơn 700 tấn hoa quả bằng khoảng 1/3 so với ngày thường. Giá bán buôn mặt hàng rau củ quả ổn định. Một số trái cây như mãng cầu tròn, xoài cát Hòa Lộc, giá giảm từ 10.000 - 25.000 đồng/kg.
Với chợ đầu mối Bình Điền, tiểu thương nhập gần 230 tấn thuỷ hải sản. Giá cả các mặt hàng đa số ổn định. Chỉ một số mặt hàng biến động như cá hú tăng 3.000 đồng, lên mức 78.000 đồng/kg; mực lá giảm 10.000 đồng/kg về mức 290.000 đồng/kg, tôm càng xanh có giá 210.000 đồng/kg.
Giá bán buôn gia cầm giữ ổn định. Đùi gà nhập khẩu 43.000 đồng/kg, cánh gà nhập khẩu 60.000 đồng/kg, gà tam hoàng nguyên con 60.000 đồng/kg, gà công nghiệp nguyên con 50.000 đồng/kg và vịt nguyên con 63.000 đồng/kg.
“Cùng với chợ đầu mối, một số chợ truyền thống hoạt động trở lại. Người dân chủ yếu mua bán lương thực, thực phẩm thiết yếu như: rau, củ, trái cây. Tiểu thương bán lấy ngày khai trương và giao mối cho nhà hàng, quán ăn hoạt động trong mùa Tết”, đại diện Cục Quản lý Giá cho biết.
Theo Bộ Tài chính, tại Cần Thơ, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.
Tại Đà Nẵng, giá rau, củ quả giảm so với ngày 30 Tháng Chạp. Một số mặt hàng rau củ quả được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất như cà rốt 30.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg, cà chua 35.000 đồng/kg…
Bộ Tài chính dự báo, tháng Giêng diễn ra nhiều lễ hội, có thể khiến giá hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại tăng giá. Bộ Tài chính khuyến cáo, bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là mặt hàng thiết yếu. Từ đó, bộ ngành, địa phương có phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)