Sau khi NHNN tiếp tục giảm 0,5% một số loại lãi suất điều hành từ ngày 25/5, lãnh đạo các ngân hàng bày tỏ sự đồng thuận, đồng thời cam kết tiếp tục giảm lãi suất huy động cũng như cho vay.
Theo quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 25/5, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Đây là lần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm, NHNN có động thái điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Ông Lê Quang Vinh – Phó Tổng giám đốc Vietcombank đánh giá, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo kênh chính sách tiền tệ rất kinh hoạt, kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng.
Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất. Từ 1/1 – 30/4, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5%, 130.000 khách hàng được giảm lãi suất. Số dư nợ được giảm khoảng 800.000 tỷ đồng.
Đợt 2, từ 1/5 – 31/7, 110.000 khách hàng được giảm lãi suất, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.
Nói về khả năng có những điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng.
Đồng quan điểm với ông Vinh, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) cho rằng, đây là thời điểm thích hợp giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
“Với thị trường hiện đang hấp thụ vốn rất yếu và kinh tế rất khó khăn như hiện nay, việc giảm lãi suất điều hành giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hàng và cả các ngân hàng trong thời gian tới”, lãnh đạo MB nói.
Từ đầu năm đến nay, MB tung ra 120.000 tỷ đồng các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn.
MB đã giảm lãi suất hỗ trợ với số tiền 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN.
Ông Phạm Như Ánh cho biết, MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.
“Tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5%. Chúng tôi kì vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn, ngân hàng sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong các tháng còn lại. Dự kiến, hết tháng 6 tốc độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%”, ông nói.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc cho rằng, chỉ khi lãi suất huy động trên thị trường hạ xuống, chi phí vốn hạ thì các NHTM mới có khả năng điều chỉnh mức lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Từ đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế.
“Các NHTM đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất nhưng cái lớn nhất trong cấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn, các NHTM có cơ hội giảm đáng kể hơn lãi suất cho vay. Khi đó, chúng tôi cũng sẽ đưa ra một số chương trình hỗ trợ cho người dân vay vốn, hạ lãi suất cho vay xuống để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Tổng Giám đốc TPBank nói.
Tăng trưởng tín dụng tại TPBank hiện đạt hơn 5%, ông Nguyễn Hưng cho rằng, một khi lãi suất “dễ chịu hơn”, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, khi đó có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)