Hàng tiêu dùng Hàn Quốc như mỹ phẩm, linh kiện điện tử hay sản phẩm thực phẩm chức năng,... luôn được người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là người Việt Nam, rất ưa chuộng. Sự phổ biến của thương mại điện tử tạo điều kiện cho khách hàng từ Việt Nam có thể dễ dàng mua các sản phẩm chính hãng tại Hàn Quốc chỉ sau một cú click chuột.
Hồi tháng 10, 10 siêu thị VinMart lớn tại TP.HCM và Hà Nội giới thiệu hàng nghìn các sản phẩm nội địa Hàn Quốc bao gồm các loại mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm, công nghệ được nhập khẩu trực tiếp và phân phối độc quyền tại Việt Nam.
Ông Shinn Tea Yong, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc, cho rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc mang tới Việt Nam các sản phẩm chất lượng cao, giá phải chăng, giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận hàng hóa của nước này một cách trực tiếp và dễ dàng.
Hiệp định thương mại tự do Việt Hàn (VKFTA), có hiệu lực từ ngày 25/12/2015 cắt giảm thuế suất nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa, khiến nhiều sản phẩm của Hàn Quốc dễ dàng vào Việt Nam hơn và thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.
Theo thống kê, có tới hơn 50 mặt hàng Hàn Quốc, từ kẹo cao su, mì gói, mỹ phẩm, rượu, thực phẩm chức năng,... đang xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Sự đa dạng hàng hóa này chỉ xếp thứ hai, sau thị trường mang lại tổng doanh thu cao nhất là Trung Quốc.
Năm 2018, Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 65,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 18,24 tỷ USD; nhập khẩu đạt 47,6 tỷ USD.
Trong thực tế, các nhà bán lẻ Hàn Quốc như Lotte, K-Mart cũng đang tìm cách xâm nhập và tăng cường mạng lưới tại Việt Nam trước nhu cầu tiêu dùng của người Việt gia tăng.
Không chỉ vậy, các siêu thị cũng đã kết hợp với đối tác phía Hàn Quốc cho ra mắt dòng sản phẩm riêng. Đơn cử như thương hiệu VinMart Care, dòng sản phẩm chuyên về chăm sóc cơ thể cho cả nam, nữ và trẻ em, được đặt hàng sản xuất riêng tại Hàn Quốc.
Hội Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động để giới thiệu các mặt hàng tiêu dùng Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư sang Việt Nam dưới hình thức thương mại hóa ngành dịch vụ chế tạo và các ngành khác, nghĩa là các doanh nghiệp này đầu tư tại đây không chỉ đơn thuần sản xuất ra các mặt hàng để xuất khẩu mà còn bán hàng tại chỗ.
Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt hơn 44 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 12,85 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 31,2 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%. Như vậy, hết tháng 8, Việt Nam nhập siêu hơn 18 tỷ USD từ Hàn Quốc.
Ông Kim Eui Joong, Tham tán thương mại Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam là đất nước có nền kinh tế phát triển năng động và đây là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng.
Sự kiện này dịp để các doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu những sản phẩm chuẩn nguồn gốc, chất lượng tốt nhưng có mức giá hợp lý đến người tiêu dùng Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giao thương giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là mỏ vàng lớn nhất của các tập đoàn kinh tế xứ sở Kim Chi. Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam cũng là thị trường thu hút nhiều sự quan tâm nhất của các công ty Hàn Quốc trong khu vực. Tỷ lệ các công ty đổ bộ vào Singapore là 17%, ở Indonesia, Philippines, Thái Lan là 14%, trong khi ở Malaysia chỉ là 12%, chưa bằng một nửa so với con số 33% của Việt Nam.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á dù có nền văn hóa và trình độ phát triển tương đồng, nhưng Việt Nam vẫn được người Hàn Quốc hướng đến như một thị trường chính để xuất khẩu mỹ phẩm Hàn, bánh kẹo, nhân sâm, thực phẩm chức năng,... chứ không phải Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Malaysia.
Dự đoán trong tương lai, hàng tiêu dùng Hàn Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh quyết liệt với hàng Việt.
Theo Bảo Anh (VietNamNet)