Buổi sáng đi chợ, bà Phạm Thị Hoà ở Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội) đi bộ từ đầu phố tới cuối phố, thấy hàng hoa quả nào bà cũng ghé vào hỏi xem có na bở không nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Vào chợ Đại Từ, bà cũng lùng mua, may đến hàng hoa quả cuối chợ người bán nói "có đúng 3 quả".
Nhìn 3 quả na bở khá xấu xí, mắt na lại không đều nhưng bà đành đồng ý mua với giá 150.000 đồng/kg. 3 quả na bở cân lên được 9 lạng, tính ra hết 135.000 đồng. Dù giá đắt đỏ nhưng bà Hoà vẫn mừng ra mặt. Bà khoe: "Từ đầu mua na đến giờ, hôm nào đi chợ tôi cũng tìm mua na bở nhưng có đâu. May sao hôm nay mua được 3 quả".
Bà Hoà chia sẻ, na dai vào mùa đang bán đầy chợ, giá chỉ vài chục ngàn một cân, nhưng cả nhà bà ai cũng thích ăn na bở vì vị ngọt rất thanh mát, không ngọt sắc như na dai. Nhưng, mấy năm nay, na bở ngày càng trở nên hiếm.
Cầm túi na trên tay, bà Hoà nói: "Nhà đông người mà tìm mãi mới mua được 3 quả na bở này thì tối về lại chia nhau thôi ăn cho đỡ thèm".
Cũng có sở thích ăn na bở, song chị Đào Thanh Hương ở Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thừa nhận, mặc dù đã tới mua na thu hoạch rộ nhưng na bở vừa đắt đỏ vừa khó mua.
Cách đây khoảng 5 năm, mùa na ra chợ gần nhà hay trên phố na bở được bán la liệt, giá chỉ 20.000-30.000 đồng/kg loại ngon. Còn giờ đây, giá lên tới 160.000 đồng/kg mà vẫn không có để mua. Lần nào muốn ăn chị cũng phải lùng khắp chợ, không thì phải đặt hàng trước 4-5 ngày để người bán tìm mua giúp.
Ghi nhận của PV.VietNamNet, hiện đã vào mùa na. Na dai được bày bán tràn ngập chợ Hà Nội, giá dao động từ 30.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại to nhỏ. Riêng na bở, giá thường đắt gấp 2-5 lần, từ 130.000-160.000 đồng/kg. Các chủ hàng cũng cho biết, nguồn cung na bở ở Lạng Sơn bây giờ siêu hiếm, na bở trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc từ Thuỷ Nguyên (Hải Phòng).
Chị Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương có 10 năm kinh nghiệm bán na tại chợ Đại Từ, kể rằng, vào mùa na, mỗi ngày chị thường bán trên dưới nửa tấn, nhưng tất cả đều là na dai.
"Nhiều người hỏi mua na bở về ăn, song loại này giờ hiếm lắm, mà giá cũng đắt đỏ nữa. Hôm nào mua được ít thì toàn để cho khách đã đặt trước thôi", chị nói và cho biết, giá na bở đắt gấp nhiều lần giá na dai mà dân Hà thành vẫn tranh nhau mua về ăn.
Cách đây khoảng 4 năm đổ về trước, na bở nhiều vô kể, giá rẻ chỉ bằng 1/2-1/3 giá na dai. Tuy nhiên, na bở khi chín dễ bị nát, rất khó vận chuyển, đặc biệt giá bán lại không được cao như na dai nên thương lái không chuộng mua về bán nên các nhà vườn chặt bỏ hết na bở, trồng na dai. Chưa kể, nhiều người chê na bở nhiều hạt, khó bóc vỏ hơn vì sát vào thịt; khi nhằn múi na ra khỏi hột cũng khó hơn vì nhiều hạt và hạt dính vào thịt.
"Đến giờ thì ngược lại, từ thất sủng na bở bỗng trở thành hàng hiếm, được người dân lùng mua khắp chợ Hà thành với giá vô cùng đắt đỏ", chị Vân chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trần Văn Nam, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, na bở giá hiện tại lên đến 160.000 đồng/kg mà cửa hàng anh vẫn không đủ hàng để bán cho khách.
"Khoảng 3 năm nay na bở bắt đầu đắt đỏ, khách đặt mua nhiều nên hàng về đến đâu chỉ đủ trả khách đặt trước đến đó, không có dư bao giờ. Dịp này cũng vậy, cứ 3 hay 5 ngày có một chuyến na bở về, mỗi lần cũng chỉ được trên dưới 1 tạ na, bán vèo cái đã hết sạch", anh Nam cho hay.
Lý giải về chuyện na bở bỗng trở thành hàng hiếm, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ một vườn na 1.500 gốc ở Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, trước kia vùng na chuyên canh ở chỗ ông cũng trồng nhiều na bở song song với na dai. Tuy nhiên, nhu cầu về na bở không cao, giá bán lại thấp nên các chủ vườn quyết định chặt hết na bở, chuyển sang trồng na dai.
Theo đó, mấy năm gần đây, nguồn cung na bở hiếm dần, giá cũng ngày càng tăng cao. Bởi, giờ các vườn toàn bộ đều là na dai, hầu như rất ít gia đình còn giữ lại trồng na bở.
"Nhà tôi còn 5 cây na bở ngoài góc vườn, hôm trước thương lái vào tận vườn đặt cọc để mua với giá gấp đôi na dai nên tôi bán sạch, không để lại ăn quả nào", ông Tiến nói.
Theo Bảo Phương (VietNamNet)