Hàng Tết dồi dào, giá cả ổn định

11/01/2021 13:54:32

Do dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, việc chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết nguyên đán 2021 càng được chính quyền TP HCM và doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ, chu đáo hơn

Sáng 10-1, tại Chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề "Tết Tân Sửu: Vui tươi - An toàn - Tiết kiệm - Nghĩa tình" do HĐND TP HCM kết hợp cùng Đài Truyền hình TP thực hiện, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, cho hay ban này đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát tại các quận, huyện, doanh nghiệp (DN), chợ truyền thống… về công tác chuẩn bị hàng Tết. Kết quả ghi nhận, nguồn hàng chuẩn bị tương đối ổn định với số lượng dồi dào, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng Tết

Theo ông Triệu Đỗ Hồng Phước, các DN phân phối lớn đã chủ động tăng tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa đầu vào lên gấp 5-10 lần so với tháng bình thường. Việc kiểm tra không chỉ thực hiện tại từng điểm bán mà còn xuyên suốt từ nhà cung cấp đến kho/trạm sơ chế, trung chuyển hàng hóa và tại từng siêu thị, cửa hàng.

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, cho hay người dân TP mong muốn được tiếp cận nguồn hàng với giá bình ổn, hợp túi tiền, bảo đảm chất lượng. Do đó, đề nghị cơ quan liên quan tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, điểm bán hàng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm.

Hàng Tết dồi dào, giá cả ổn định
Hàng hóa Tết đầy ắp trong siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đề nghị các sở, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của người dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, những điểm bán hàng bình ổn giá, những chuyến xe lưu động đến trực tiếp các KCX-KCN, các khu dân cư xa trung tâm TP với đa dạng chủng loại, giá cả hợp lý, thời gian bán hàng phù hợp.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, từ nay đến sát Tết, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm được tăng cường và siết chặt hơn nữa. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với khoảng 300 thanh tra viên, tập trung kiểm tra những DN sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.

Sức mua sắm tăng dần

Những ngày cuối tuần qua, bãi xe của nhiều siêu thị trên địa bàn TP HCM như Emart Gò Vấp, MM Mega Market An Phú, Big C An Lạc, Co.opmart Lý Thường Kiệt… gần như kín chỗ. Bên trong các siêu thị, không khí Tết tràn ngập với nhạc Xuân phát đều đặn, hàng hóa đầy ắp khắp quầy kệ và bảng giảm giá treo/gắn nổi bật tại từng kệ hàng.

Theo các siêu thị, sức mua đã tăng nhẹ từ đầu tuần qua và tương đối tốt vào cuối tuần. Dù lượng khách đã tăng khá nhưng nhịp mua sắm chung vẫn còn chậm so với thông lệ các năm trước.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết mọi năm, vào thời điểm này sức mua đã rất nhộn nhịp nhưng năm nay không khí chung vẫn chưa thật "sung". "Khả năng cao là năm nay người tiêu dùng sẽ ít mua sắm rải rác từ trước mà dồn vào 1-2 tuần sát Tết. Các nhà bán lẻ đang chủ động điều chỉnh kế hoạch phân bổ hàng hóa, bảo đảm lượng hàng đưa ra luôn dồi dào, giá cả ổn định kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi để người tiêu dùng thoải mái mua sắm" - ông Huy chia sẻ.

Tiểu thương các chợ truyền thống cũng đã bắt đầu nhập hàng bán Tết. Một số tiểu thương chợ Bến Thành sau một thời gian đóng cửa tạm ngưng kinh doanh vừa mở cửa trở lại. Trước tình hình chung là nhiều gia đình bị giảm thu nhập, giảm chi tiêu do ảnh hưởng dịch Covid-19 và phải cạnh tranh gay gắt với các siêu thị, chợ tự phát, kênh bán hàng trực tuyến nên hầu hết tiểu thương chợ sỉ lẫn chợ lẻ khá dè dặt, nhập hàng hạn chế và chủ động kìm giữ giá. Một số mặt hàng thời vụ như củ kiệu, hành tím, cải sậy… đang cao điểm tiêu thụ nhưng giá bán ra chỉ tương đương cùng kỳ năm trước.

Cập nhật về thị trường Tết, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, việc chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết càng phải được thực hiện chặt chẽ, chu đáo hơn. Đồng hành cùng TP, các DN đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, phân phối rất chặt chẽ. Cụ thể: lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% - 17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 12% - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 22% - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm chiếm 54,5% thị phần, trứng gia cầm chiếm 47%, thực phẩm chế biến chiếm 28,1%, thịt gia súc chiếm 21%, gạo chiếm 31,5%..., bảo đảm đủ khả năng điều tiết thị trường.

"Một số đơn vị phân phối lớn như Saigon Co.op chuẩn bị lượng hàng tương đương 5.000 tỉ đồng; Satra chuẩn bị 1.500 tỉ đồng; các chợ đầu mối đã sẵn sàng phương án tiếp nhận và phân phối lượng hàng Tết dự kiến tăng 80% so với ngày bình thường" - ông Tú cho hay.

Theo đề nghị của Sở Công Thương TP HCM, các hệ thống siêu thị tăng cường lượng hàng cung ứng Tết gấp 2-3 lần so với ngày thường; tăng công suất phục vụ và kéo dài thời gian hoạt động trong những ngày giáp Tết. Về công tác bán hàng lưu động, các DN bình ổn thị trường đã lên kế hoạch thực hiện 350 chuyến đến các khu vực ngoại thành, KCX-KCN… trên địa bàn TP HCM. Trong trường hợp các quận, huyện có nhu cầu đưa những chuyến hàng lưu động về phục vụ người dân nhiều hơn, các DN có thể tăng thêm 20-30 chuyến.

Sắp điều chỉnh giá thịt heo bình ổn thị trường

Theo kế hoạch, đầu tuần này, Sở Tài chính TP HCM sẽ làm việc với các sở, ngành, DN liên quan để tính toán lại giá bán các mặt hàng trong danh mục hàng bình ổn thị trường Tết trên địa bàn TP. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các DN bình ổn thị trường cho biết thời gian qua, ngoài giá thịt heo có biến động do nguồn cung hạn chế và dự báo sẽ còn tăng trong những ngày tới, giá cả thị trường hầu hết mặt hàng đang khá ổn định. Vì vậy, khả năng TP sẽ điều chỉnh giá bán mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn, mức tăng hợp lý có thể là 7%-10%. Mức giá mới sẽ được giữ ổn định đến hết tháng giêng năm Tân Sửu.

Từ nay đến Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các hệ thống phân phối lớn sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5% đến 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các hệ thống này sẽ giảm giá sâu những mặt hàng thiết yếu như thịt heo, trứng gia cầm, gạo...

Theo Thanh Nhân (Nld.com.vn)

Nổi bật