Sáng 5/2 (mùng 1 tết), đa số các cửa hàng ở nhiều tuyến đường TPHCM đều đã đóng cửa, ngừng kinh doanh. Do vậy, người dân phải ‘đỏ mắt’ mới tìm được quán ăn cho gia đình.
Trên đường An Dương Vương (Q.5), cả quãng đường dài gần như chỉ có duy nhất 1 quán hủ tiếu rất đông khách. Xe của khách xếp xuống cả lòng đường, nhân viên làm luôn tay vẫn không kịp phục vụ khách.
Chị Thùy Trang (ngụ Q.11) cho biết: “Sáng nay cả gia đình dậy sớm đi chùa, đi bách phố. Sau đó đi tìm quán ăn nhưng mới biết không có nơi nào bán cả. Phải đi một quãng khá xa mới tìm được hàng ăn. Tuy nhiên món ăn đều không ngon, nguyên liệu không tươi mới, chưa kể còn tăng thêm từ 10.000-15.000 đồng/phần so với mấy ngày trước đó”.
Bà Thủy (kinh doanh bún bò ở Q.1) phân trần: “Tết mà, chúng tôi cũng phải tăng thêm lương cho nhân viên làm việc ngày tết, giá thực phẩm cũng cao nên mình buộc phải phụ thu thêm chứ thực tâm cũng không muốn. Qua mấy ngày tết, khi các mối cung cấp trở lại bình thường thì giá cũng về như cũ”.
Dịp này, nhiều quán cà phê cũng tranh thủ kinh doanh thêm món ăn để phục vụ khách, tuy nhiên thực đơn không phong phú, chủ yếu là các món mì xào, mì bò, bánh mì thịt nguội… Nhiều quán cũng thông báo phụ thu thêm 50% ngày tết để khách khỏi lăn tăn.
Tại các khu vui chơi như Hội hoa xuân công viên Tao Đàn, đường hoa Nguyễn Huệ… nhiều người thuê gian hàng kinh doanh ẩm thực và luôn trong tình trạng “cháy ghế”. Đủ các món ăn bún, phở, miến… Việt Nam, Thái bày biện hấp dẫn, ngon mắt.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)