Những ngày này du khách trong nước đến Hội An đã tăng trở lại, nhất là dịp cuối tuần sau khi đợt dịch thứ 3 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, lượng gian hàng tại khu vực phố cổ treo biển "giảm giá đến 50%", "thanh lý toàn bộ cửa hàng" để trả lại mặt bằng hay "cho thuê nhà", "bán nhà" lại ngày một nhiều thêm vì vắng khách nước ngoài.
"Trước dịch, ngày thu tiền triệu là bình thường bởi khách Tây rất thích mua những đồ này về làm quà tặng do cửa hàng tôi còn được đánh giá tốt trên Tripadvisor. Nhưng giờ bán vài trăm nghìn cũng khó", chị Lý, chủ cửa hàng khăn lụa, cà vạt chia sẻ khi thu dọn đồ để chuẩn bị trả lại gian nhà hơn 25 m2 tại đường Trần Phú sáng 28/3. Cửa hàng này được chị thuê với giá 30 triệu đồng mỗi tháng.
Kinh doanh tại phố cổ từ năm 2013, chị cho biết trước chỉ mong ký được hợp đồng thuê mặt bằng 2-3 năm để không bị tăng giá, thậm chí có địa điểm đẹp còn phải ký 5 năm. Hiện nay tiền thuê đã giảm nhưng chị vẫn phải trả nhà khi không có khách nước ngoài, đợi hết dịch tính tiếp.
Từ giờ đến lúc trả nhà, chị cho biết cố gắng xả hàng, giảm giá cà vạt chỉ còn đồng giá 50.000 đồng một chiếc mà trước thường bán cho khách nước ngoài 6 USD, khăn có loại cũng chỉ còn 80.000 đồng, 100.000 đồng (trước có giá 13-15 USD). Dù bán lỗ vốn như vậy, cửa hàng này cũng chỉ có vài vị khách Việt Nam ghé thăm trong ngày cuối tuần.
Các gian bán đồ lưu niệm, âu phục, đồ da hay cả cà phê quanh cửa hàng này cũng đóng cửa dần từ sau 2 đợt dịch và lũ lụt năm ngoái. Còn chủ một mặt bằng ở Trần Phú cho biết rao cho thuê từ tháng 11 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa có khách chốt thuê, dù anh đã giảm giá một phần ba, thậm chí một nửa giá.
Cách gian hàng của chị Lý hơn chục số nhà, Sunday Boutique cũng giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm để trả mặt bằng khi không còn khả năng chi trả 80 triệu đồng mỗi tháng. Cửa hàng trong căn nhà cổ, gian ngoài là đồ trang trí, gia dụng, túi xách thủ công, gian trong bày chăn, ga, gối, đệm cũng từng bán khá tốt cho khách Tây. Còn hiện tại, phía trước cửa hàng này trở thành địa điểm chụp ảnh ưa thích của nhiều bạn trẻ với bức tường vàng và biển gỗ "Sunday, from Hoi An with love" cùng những cây xương rồng xanh.
Theo ghi nhận của VnExpress chiều tối Chủ nhật (28/3) - sau một năm Việt Nam không đón khách du lịch quốc tế, hơn 70 cửa hàng đóng cửa hoặc đang cho thuê lại mặt bằng tại đường Trần Phú và con số này tại đường Nguyễn Thái Học là hơn 90. Đây từng là hai tuyến phố đi bộ dài và sầm uất với nhiều hàng quán nhất khu vực phố cổ. Một số điểm ở Nguyễn Thái Học trước đây trưng bày tranh, trang sức, đồ da đắt tiền... giờ thành chỗ ngồi tạm của những gánh hàng chè, cao lầu, mỳ quảng.
Tại đường Bạch Đằng sát bờ sông Hoài cũng chỉ còn một vài quán cà phê, đồ Âu còn mở cửa. Tuy nhiên, để có thể tồn tại, họ đã phải thay đổi gần như toàn bộ thực đơn, giá thành cho phù hợp với người Việt Nam.
Thực đơn hiện tại của một nhà hàng 2 tầng, sang trọng trước đây chuyên phục vụ khách nước ngoài ngồi ngoài ngắm hoàng hôn bên sông Hoài giờ giảm còn 18 món, trong đó quá nửa là đồ ăn bản địa như cơm gà, cao lầu, bánh ướt, bún thịt nướng... giá từ vài chục nghìn đồng.
"Nhà hàng không còn nhập những nguyên liệu đắt hay thịt bò làm bít tết nữa. Đồ Âu chỉ còn những món đơn giản như mỳ Ý, hamberger", nhân viên phục vụ của nhà hàng này trả lời khi khách muốn gọi món để uống cùng rượu vang.
Với các khách sạn, homestay, lượng khách nội địa dần trở lại Hội An cũng mới chỉ giúp cải thiện tình hình kinh doanh dịp cuối tuần. Nhân viên lễ tân của Volar Homestay ở Phan Đình Phùng chia sẻ, từ sau Tết khách đã đông hơn, những cuối tuần gần đây tỷ lệ lấp đầy khoảng 90% nhưng trong tuần thì chỉ được 2-4 phòng. Trước dịch, homestay này ngày nào gần như cũng kín khách Tây.
Tuy vậy, homestay này vẫn may mắn hơn những khách sạn quy mô lớn gần đó. Đối diện Volar Homestay là một khách sạn 3 sao với quy mô khoảng 40 phòng đã đóng cửa từ cuối năm ngoái vì lượng khách ít không đủ bù đắp chi phí vận hành. Khách sạn này thi thoảng chỉ sáng đèn 2-3 ngày cuối tuần khi có khách đoàn.
Lai - người làm buồng duy nhất tại khách sạn Cozy Savvy, cách phố cổ 1 km cho biết, cô là người duy nhất ở bộ phận này còn trụ lại đây. Năm ngoái, khách sạn này đã đóng cửa hai lần vì dịch kéo theo lượng nhân viên giảm dần, đến nay chỉ còn 1 người cho mỗi bộ phận. "Giờ tụi em chỉ phục vụ vài phòng vào những ngày cuối tuần. Nhưng như em vẫn còn may, mấy đứa bạn giờ chỉ làm chục ngày trong tháng, lương khoảng 1.500.000 đồng", Lai cho hay.
Không phải trả tiền mặt bằng hay lương nhân viên, ông Nhật Ánh, lái đò trên sông Hoài cũng ngày càng thấy sự tác động rõ rệt của dịch bệnh. "Có những ngày không được chuyến nào. Từ 40.000-50.000 đồng một khách hồi trước, giờ tôi chỉ lấy 10.000 đồng mà may ra cuối tuần mới được vài chuyến đò", ông Ánh nói và thông tin thêm rằng 20% trên tổng số 140 đò ở khu vực này vẫn dừng hoạt động vì vắng khách.
Nhiều người chèo đò như ông Ánh trước làm nông, đến khi Hội An phát triển du lịch, thì chuyển sang làm dịch vụ. "Giờ dịch bệnh, muốn hay không chúng tôi cũng chỉ có cách phải bám trụ lại với hy vọng du lịch sớm được phục hồi", ông tâm sự.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả năm 2020 doanh thu từ du lịch lữ hành của Quảng Nam giảm gần 80% so với năm 2019 và là một trong những địa phương có mức giảm mạnh nhất cả nước.
Hiện tại, lãnh đạo tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu du lịch, trong đó cũng có bàn bạc, tính đến phương án đón khách quốc tế bằng các chuyến bay charter (những chuyến bay có lịch trình khởi hành riêng, không tùy thuộc vào lịch bay cố định của hãng) trọn gói từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo Anh Tú - Phương Ánh (VnExpress.net)