Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan trong năm 2014 đạt 7,118 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2013, trong khi đó Việt Nam xuất sang thị trường này đạt 3,48 tỷ USD. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua luôn ở trạng thái không cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam.
Xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan. |
Cụ thể, đồ điện gia dụng và linh kiện Thái Lan chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, gấp đôi con số từ Trung Quốc và cao hơn 4 lần hàng hóa có xuất xứ từ Malaysia. Các sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu năm 2014 cũng đạt gần 190 triệu USD, đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng đã liên tục tăng trong những năm gần đây. Với rau quả, dù là một quốc gia nhiệt đới, nhưng Việt Nam cũng nhập tới hơn 143 triệu USD rau củ quả từ Thái Lan, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao giá hàng hóa “Made in Thailand” dù đắt hơn 10-15% giá hàng trong nước mà người tiêu dùng vẫn lựa chọn? Câu trả lời rất ngắn gọn là “chất lượng”. Trên thực tế, mẫu mã, chất lượng hàng Thái “ăn đứt” hàng trong nước nên đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có được thành quả này, một chiến dịch thâm nhập thị trường đã được người Thái chuẩn bị khá bài bản.
Chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam của Thái Lan được ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá trên nhiều phương diện. Trước hết, ngay từ khi bắt đầu hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), người Thái đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực sản xuất, hàng chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống, kể cả một số lĩnh vực bao bì, logistic.
Sản phẩm Thái Lan xâm nhập vào Việt Nam có một số lượng lớn là hàng tiêu dùng bình dân. |
“Việc phát triển cửa hàng tiện ích nơi này không chỉ đơn thuần cung cấp hàng hóa mà còn tạo cơ sở móc nối thị hiếu người tiêu dùng với nhà cung cấp sản phẩm. Bởi lẽ, nhân lực của những cửa hàng này là người Việt Nam, họ biết được 'hàng xóm' (tức người tiêu dùng nơi đây - PV) cần gì để cung cấp thông tin cho nhà sản xuất Thái Lan”, ông Thắng nói.
Thêm vào đó, ngay ở các chợ phát luồng truyền thống của Việt Nam đã bắt đầu có hàng Thái như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Hàn (Đà Nẵng)… Đây là điều mà doanh nghiệp trong nước cũng như các nước khác khi vào Việt Nam chưa làm được.
Từ làm ăn nhỏ, người Thái đã phát triển làm ăn lớn bằng cách mở rộng thị trường thông qua việc mua lại hệ thống siêu thị có tiếng tại Việt Nam. Mới đây Tập đoàn Berli Jucker -BJC (Thái Lan) đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Việt Nam. Hay như Central Group hiện cũng có 2 trung tâm mua sắm tại Hà Nội và TP.HCM và mới hoàn tất mua 49% cổ phần tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim...
Như vậy, với tiềm lực có sẵn cộng với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2015 (sẽ cắt giảm hàng loạt dòng thuế), hàng hóa nước ngoài, trong đó có hàng Thái Lan “chảy” vào Việt Nam là điều tất yếu. Nếu nhìn vào cái lợi trước mắt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân Việt Nam được sử dụng hàng hóa chất lượng cao của Thái Lan mà giá cả không cao, phù hợp với sức mua của người Việt Nam. “Chính điều này sẽ đẩy hàng không rõ nguồn gốc, hàng chất lượng kém, ảnh hưởng sức khỏe ra khỏi thị trường Việt Nam đồng thời giảm buôn lậu”, một vị chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi sức cạnh tranh của hàng nội còn yếu, nguy cơ hàng Thái Lan lấn át hàng nội được chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận là có thật. “Phía Việt Nam cần có đối sách để trụ vững trên chính sân nhà”, ông Doanh nói. Vị này kiến nghị, doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Công Thương cần có nghiên cứu cụ thể từng mặt hàng để có những so sánh, đối sách ứng phó.
Đồng quan điểm trên, ông Thắng bổ sung, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, cơ quan quản lý phải dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ doanh nghiệp Việt. Phía doanh nghiệp phải vươn lên cạnh tranh về giá cả, chất lượng, tiếp thị… giống như Thái Lan đã làm.