Hàng ngoại không dễ tìm đất sống ở Sài Gòn

11/05/2015 09:40:42

Khá nhiều cửa hàng, siêu thị bán hàng ngoại tại TP HCM đang trong tình trạng vắng khách. Phần lớn các điểm bán phải giảm giá 50-70% để thanh lý, vì sản phẩm đã cận date.

Khá nhiều cửa hàng, siêu thị bán hàng ngoại tại TP HCM đang trong tình trạng vắng khách. Phần lớn các điểm bán phải giảm giá 50-70% để thanh lý, vì sản phẩm đã cận date.
Ở các siêu thị chuyên bán hàng ngoại tại TP HCM, đa số các sản phẩm đều có giá hơn 100.000 đồng, so với sản phẩm cùng loại trong nước cao hơn từ 3–5 lần. Nhiều mặt hàng thông dụng như dầu gội, sữa tắm… có giá hơn 300.000 đồng, trong khi cùng thương hiệu, hàng trong nước chỉ có giá 80.000 đồng. Người mua chủ yếu là khách nước ngoài, người có thu nhập cao, khách chuộng hàng ngoại. Lượng khách không ổn định nên nhiều siêu thị loại này đang rơi vào cảnh vắng khách. Nhân viên một siêu thị cho biết, ngày đông khách cũng chỉ bán được vài chục sản phẩm.
 

Phần lớn các siêu thị bán hàng ngoại trên địa bàn TP HCM đều rơi vào cảnh vắng khách. Ảnh: Zen Nguyễn.

 
Chị Thảo ở quận 4 cho biết: “Tôi đi siêu thị bán hàng nước ngoài chỉ để mua sữa cho con chứ không quan tâm đến nhiều sản phẩm khác. Sữa cho con thì cố gắng 'bóp bụng' mua, chứ các mặt hàng tiêu dùng khác muốn xài phải cân nhắc, bởi giá quá cao, không phù hợp với mức sống của gia đình”.
 
Tại một siêu thị chuyên bán hàng Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, chuyên các loại thực phẩm đóng hộp như chocolate, bánh kẹo, ngũ cốc, sữa, bột, rau củ quả ngâm muối, nước trái cây đóng chai, nước sốt… những ngày này luôn trong tình trạng nhân viên đông hơn khách mua. Theo nhân viên ở đây, chỉ trong dịp Tết mới có khách, vì nhu cầu quà tặng tăng cao, còn ngày thường chỉ vài khách ghé nhưng số mua hàng rất hiếm. Cũng vì vậy mà rất nhiều sản phẩm cận date, siêu thị trưng bảng giảm giá đến 50%.
 
Trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận có đến 2 siêu thị bán hàng Thái Lan nằm đối diện nhau. Hàng ở đây phần nhiều là đồ nhựa, hóa mỹ phẩm, giầy dép. Tuy nhiên, rất nhiều mặt hàng cũ, lỗi mốt, và bất cứ thời điểm nào trong năm cũng trưng bảng giảm giá từ 10–30%.
 
Một nhân viên bán hàng ở đây cho biết: “Thực tế không phải mặt hàng ngoại nào cũng dễ bán và bán được. Rất nhiều hàng nhập về và phải thanh lý, vì trưng bày lâu hàng cũ, cận date. Giá một sản phẩm hàng Thái thường cao hơn hàng Việt cùng loại khoảng 30% là lý do đầu tiên khiến khách có thu nhập bình thường đến đây tham khảo giá, và quyết định chọn mua hàng trong nước".
 
Trong khi cửa hàng, siêu thị ế ẩm thì thời gian gần đây, khá nhiều sản phẩm ngoại được mang ra bán giảm giá ở vỉa hè. Phần nhiều hàng ra lề đường là giầy dép, quần áo của Thái, Nhật, với giá chỉ hơn hàng Việt bình dân 5–10%.
 
Anh Tài, bán dép Thái Lan trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh cho biết, thực tế, những sản phẩm giảm giá này chính là hàng lỗi mốt, hàng cũ được các siêu thị, cửa hàng bán ra ngoài để thanh lý.
 
"Ví dụ giày dép tôi bán, chỉ với giá 20.000-35.000 đồng mỗi đôi mới mong có người mua, dù tại siêu thị, cửa hàng chuyên đồ ngoại, nó có giá cao gấp 4-5 lần", anh Tài chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Văn Ngọc, giám đốc một công ty nhập khẩu hàng tiêu dùng ở Tân Bình cho biết, hàng ngoại hiện nay dù đã phổ biến, nhưng vẫn còn xa xỉ so với trung bình thu nhập của nhiều người. Mặt khác, các mặt hàng này chưa được quảng cáo rộng rãi, giá cả lại không cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước, nên chỉ người có thu nhập khá mới sử dụng.
 
"Hàng ngoại bán tại Việt Nam mà giá rẻ thì người mua phải cảnh giác. Vì chỉ riêng tiền thuế, vận chuyển và nhiều loại chi phí khác tính ra đã cao hơn hàng cùng loại trong nước. Tôi không tính đến số ít các sản phẩm được xách tay, còn lại hàng nhập chính ngạch đang bán trên thị trường hiện nay là không thể rẻ được", ông Ngọc chia sẻ.
 
Cũng theo ông Ngọc, vì kén khách nên nhiều siêu thị bán hàng ngoại tại TP HCM hiện nay thường không dự trữ nhiều hàng, vì sợ hết date. Phần lớn các điểm bán sẽ nhập cùng lúc nhiều mặt hàng khác nhau với số lượng nhỏ để dò thị trường và nhập theo đơn đặt hàng của khách. Hiện chỉ có sữa, hương liệu, quần áo… là được khách ưa chuộng, nhưng thị trường này lại đang cạnh tranh khốc liệt, vì có rất nhiều shop online bán hàng loại này.
 
Theo Zen Nguyễn (Zing.vn)

Nổi bật