Chiều 18/2 (tức mùng 7 Âm lịch), hai người làm việc tại vườn đào Nhật Tân hạ chậu đào thế từ chiếc bán tải xuống khu tập kết đào tại vườn nhà. Người chủ vườn đào này cho biết, đây là chuyến xe thứ 3 trong ngày của anh, mang về 2 chậu đào cho thuê từ 25 Tết.
Đưa đào về vườn "tái sinh" sau hành trình trưng Tết là công việc quen thuộc của nhà vườn ở Hà Nội, thường bắt đầu từ khoảng mùng 5 Âm lịch cho đến Rằm tháng Giêng 15 Âm lịch.
Một vài chủ vườn cho hay, dù huy động toàn bộ nhân công sẵn có nhưng để công việc trôi trảy, vẫn phải thuê thêm vài người, với tổng chi phí lên đến 3 triệu đồng một ngày. Chưa kể, với những chậu cảnh nặng cả tấn, nhà vườn sẽ phải thuê xe và cẩu nâng hạ.
Để chuẩn bị cho đợt trồng đào, thợ vườn sẽ tách đào khỏi chậu, cắt tỉa cành và đưa vào các hố đất đã được cải tạo dinh dưỡng.
Dẫu có sức sống tốt nhưng những chậu cảnh đắt tiền này cần rất nhiều công sức chăm sóc để có thể phục vụ cho mùa Tết năm sau.
Tại vườn đào Nhật Tân, đa số là bích đào, thêm đào Thất Thốn.
Theo những người làm vườn, những gốc đào có dáng đẹp, tuổi đời lâu năm là “cần câu cơm” và hút khách. Chúng giá trị nên thường cho thuê, ít khi bán đứt cho khách.
Đôi khi, có những chậu cảnh bán đứt nhưng vẫn quay lại vườn để được chăm sóc đúng cách, chuẩn bị cho vụ Tết sau. Bởi vậy, các nhà vườn có thêm dịch vụ nhận chăm đào cho khách.
Không chỉ vậy, các thợ cây cũng bủa đi thu mua lại những gốc đào rừng đẹp để “hồi sức”, tạo dáng hoặc ghép với bích đào, tạo hàng mới cho vụ sau.
Theo ông Hùng, một chủ vườn tại thủ phủ đào Nhật Tân, việc trồng đào phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, giá cả theo thị trường. Một gốc đào nếu được chăm sóc cẩn thận có thể được quay vòng đến 7,8 năm.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên năm nay, bên cạnh đi trực tiếp từng nơi, việc xem và định giá các gốc đào thu gom cũng được thực hiện qua các hình thức online, phát trực tiếp lên mạng xã hội. Hàng loạt hội nhóm thu gom xác đào online mọc lên rầm rộ, khiến cho thị trường sôi động.
Theo Hoàng Linh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)