Hàng ngàn hộ dân TP. HCM sắp thoát quy hoạch ‘treo’?

16/09/2018 18:00:47

Hàng loạt dự án “treo” trên địa bàn TP. HCM đã được chính quyền TP xóa sổ và điều chỉnh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho người dân. Trong đó, Gần 2.000 ha đất trong các khu đô thị cảng Hiệp Phước và Tây Bắc được điều chỉnh quy hoạch thành đất dân cư hiện hữu chỉnh trang.

Hàng loạt dự án “treo” sẽ bị xóa sổ

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM, hiện nay TP. HCM còn khoảng 570 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã "án binh bất động" hơn 20 năm.

Dự án “treo” kéo dài - đã khiến không ít người dân rơi vào tình cảnh có đất nhưng không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, không được chuyển nhượng, mua bán, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Đường sá ở các khu quy hoạch “treo” cũng rơi vào hoàn cảnh không được nâng cấp, cải tạo.

Hàng ngàn hộ dân TP. HCM sắp thoát quy hoạch ‘treo’?
Gần 2.000 ha đất trong các khu đô thị cảng Hiệp Phước và Tây Bắc được điều chỉnh quy hoạch thành đất dân cư hiện hữu chỉnh trang

Gần 2.000 ha đất trong khu đô thị (KĐT) cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) và KĐT Tây Bắc (Củ Chi-Hóc Môn) sẽ được điều chỉnh quy hoạch thành đất dân cư hiện hữu chỉnh trang sau nhiều năm quy hoạch nhưng chậm triển khai. Theo đó, quyền lợi của người dân trong gần 2.000 ha này sẽ được đảm bảo.

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Á nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè được xây dựng từ năm 1984. Gần 35 năm nay, căn nhà này chưa từng được cải tạo, xây dựng lại.

Ông Á kể năm 2007, sau ba năm kể từ khi có chủ trương quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước, người dân sống trong khu vực bị cấm thực hiện các quyền trên đất của mình. “Lên huyện hỏi thì được biết TP có văn bản nói trong thời gian chờ phê duyệt và công bố quy hoạch, UBND TP chủ trương tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không giao đất cho các dự án khác tại KĐT cảng Hiệp Phước” - ông Á nói.

Nhà, đất của ông Á có khuôn viên gần 1.300 m2 nhưng không thể tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để cất nhà cho con. Cả gia đình chín người phải sống chen chúc trong căn nhà chưa đầy 100 m2 từ đó đến nay. Hai năm trước, ông Á liều cất tạm một căn nhà trong khuôn viên đất của gia đình nhưng đang làm nửa chừng thì bị đình chỉ.

“Hay tin khu vực dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Tạo sắp được xả quy hoạch, chúng tôi rất phấn khởi. Hơn 10 năm sống trong quy hoạch “treo”, chúng tôi đã quá khổ sở và thiệt thòi rồi. Mong chính quyền sớm công bố công khai thông tin để dân chúng tôi được xây dựng, sửa sang lại nhà ở” - ông Á nói.

Gia đình anh Lương Quốc Thành ở 126/6, ấp 3, xã Hiệp Phước cũng rất vui mừng khi biết tin nhà, đất của mình sắp được “giải thoát”. Anh Thành cho biết gia đình anh chờ đợi thông tin này từ rất lâu rồi. “Nhà có 1.200 m2 đất mà cả chục năm nay không làm gì được. Cả nhà 11 người gồm cha mẹ già, các anh em trai đã có gia đình riêng và các cháu đều phải sống chung trong một căn nhà nên bất tiện đủ thứ” - anh Thành nói.

Người đàn ông này cho hay nếu được điều chỉnh quy hoạch thì điều đầu tiên gia đình anh cũng như các anh em khác làm là xây nhà ra riêng. Đồng thời, có thể bán bớt một phần đất đai để đảm bảo kinh tế cho gia đình. Lâu nay trong gia đình gồm cha mẹ già yếu, vợ và bốn đứa con, anh là lao động chính. Mọi chi tiêu, con cái học hành và đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong gia đình đều trông vào đồng lương của anh nên cuộc sống khá chật vật.

Cũng tương tự, gần 1.700 ha đất quy hoạch cây xanh dọc theo Quốc lộ 22, thuộc KĐT Tây Bắc cũng sẽ được điều chỉnh thành đất dân cư hiện hữu. Theo UBND huyện Củ Chi, điều này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho gần 12.000 hộ dân thuộc năm xã và thị trấn của huyện bị ảnh hưởng trong quy hoạch này.

UBND TP chấp thuận chủ trương điều chỉnh

Theo UBND huyện Nhà Bè, việc điều chỉnh quy hoạch hơn 83 ha dọc theo các tuyến đường chính, nơi tập trung đông dân cư sinh sống ổn định nhằm đảm bảo quyền lợi về nhà, đất cho người dân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là xóa quy hoạch mà phần diện tích này chỉ điều chỉnh chức năng sử dụng đất, từ đất dân cư xây mới thành đất dân cư hiện hữu chỉnh trang và vẫn thuộc quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước.

Lãnh đạo huyện Nhà Bè cho hay trong hơn 83 ha dọc theo các tuyến đường chính có khoảng 16.000 hộ dân sinh sống. “Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ giải quyết quyền lợi cho khoảng 8.000 hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước” - vị lãnh đạo này thông tin.

Vị này cũng cho biết hiện nay đồ án điều chỉnh quy hoạch đã được huyện ủy và UBND huyện thông qua, trình lên TP xem xét, phê duyệt.

Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tại KĐT cảng Hiệp Phước theo đề xuất của UBND huyện Nhà Bè. Đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận IPC xác định tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và có phương án tái định cư khi thu hồi đất. Nếu để kéo dài chưa thực hiện, TP cũng chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải quyết quyền lợi về nhà, đất của người dân trong quy hoạch.

Theo ông Hồ Văn Dũng Anh, Phó Trưởng Ban quản lý KĐT Tây Bắc, cho biết cơ quan này đang chuẩn bị các bước liên quan để điều chỉnh đồ án quy hoạch. “Hiện đã chọn được đơn vị tư vấn và cũng đã được TP ghi vốn. Chúng tôi cũng đã cho lấy ý kiến của người dân năm xã, thị trấn có liên quan ở huyện Củ Chi và đang lấy ý kiến của người dân tại huyện Hóc Môn bị ảnh hưởng trước khi điều chỉnh ranh quy hoạch” - ông Anh nói.

Ông Anh khẳng định trong quý I-2019 thì việc điều chỉnh quy hoạch mới hoàn thành. Điều này cũng đồng nghĩa với sang năm 2019, người dân nằm trong quy hoạch cây xanh dọc theo Quốc lộ 22 sẽ được đối xử như nhà, đất nằm ngoài quy hoạch.

Mặc dù việc chấp thuận xóa bỏ hàng loạt dự án “treo” của UBND TP. HCM đã giúp hàng triệu hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên có cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, được sửa chữa nhà ở và giải tỏa bức xúc từ nhiều năm nay, thế nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho rằng quy trình điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch hiện còn rất chậm.

Theo TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP. HCM nói rằng TP. HCM cần triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn thì mới có kết quả rõ rệt. Một số quy hoạch “treo” nếu không thực hiện được sẽ gây tổn thất trong hướng phát triển chung của TP.

KĐT cảng Hiệp Phước có chủ trương quy hoạch từ năm 2004, chính thức được phê duyệt quy hoạch 1/5.000 vào năm 2012. Quy mô khoảng 3.600 ha, vừa có chức năng là KĐT và khu cảng. Trong đó, quy hoạch KĐT khoảng 1.354 ha.

KĐT Tây Bắc được phê duyệt và công bố quy hoạch vào năm 2009. Quy mô khoảng 6.000 ha, trong đó riêng Củ Chi chiếm khoảng 5.200 ha. Năm xã, thị trấn của Củ Chi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tân An Hội, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và thị trấn Củ Chi.

Theo Hải Đăng (Thương Hiệu & Công Luận)