CTCP Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính quý II. Đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của công ty khi doanh thu chỉ bằng 82% so với cùng kỳ, lợi nhuận thậm chí chỉ bằng 54%. Lý do doanh nghiệp phải chi 375 tỷ hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều người thuê mặt bằng thua lỗ nặng.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh, từ ngày 23/4/2020, toàn bộ trung tâm thương mại Vincom đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch trở lại khiến nhiều người lo lắng.
CTCP Xe khách Sài Gòn cũng vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm với khoản lỗ lên tới 119 tỷ đồng. Dịch bệnh khiến doanh thu của công ty tụt giảm, trong khi các loại chi phí không có nhiều thay đổi.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay lợi nhuận hợp nhất 6 tháng của tập đoàn giảm 25% so với cùng kỳ do các doanh nghiệp ngành sợi gặp khó khăn về thị trường và bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Vinatex là một trong những doanh nghiệp cung cấp khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) nhưng lợi thế không còn nhiều do các nhà sản xuất vừa qua ồ ạt lao vào mặt hàng này, khiến cung lớn hơn cầu.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. VNA tiếp tục lùi ngày tổ chức ĐHĐCĐ đến 10/8 do công tác chuẩn bị các nội dung chưa hoàn thành, chưa kể Việt Nam vừa có những ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng sau hơn 3 tháng khống chế tốt.
Trước đó, đại diện HVN cho biết tập đoàn dự kiến lỗ ròng 13 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí - PVTrans (PVT) cũng là một doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề từ dại dịch Covid-19. Lãi 6 tháng của PVT sụt giảm 23% do phải giảm giá tất cả các loại hình dịch vụ để chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Thiên Long Group (TLG) cũng ghi nhận lợi nhuận quý II chỉ bằng 25% cùng kỳ sau khi đã lỗ trong quý I do sản lượng tiêu thụ trong những tháng đầu năm 2020 giảm đi đáng kể do giãn cách xã hội, đặc biệt là các trường học đóng cửa thời gian dài. Nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thiên Long tại châu Á tạm ngừng thông quan hàng hóa, nhiều thị trường nước ngoài thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động bán hàng của Thiên Long diễn ra rất chậm.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp vượt khó khá ngoạn mục trong thời kỳ dịch bệnh.
Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lài ròng 6 tháng tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ nhờ phát sinh lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản lớn hơn so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành than báo lãi cao trong 6 tháng và thậm chí vượt kế hoạch ngay trong nửa đầu năm như trường hợp Than Hà Lầm (lợi nhuận tăng 4 lần), Than Cao Sơn (lợi nhuận tăng hơn 10%), Than Đèo Nai (TDN) lợi nhuận tăng vọt,... nhờ sản lượng than tiêu thụ tốt và giá bán bình quân tăng.
Cổ phiếu phân bón tăng mạnh do giá dầu giảm. Phân bón Bình Điền (BFC) báo lãi trước thuế 88 tỷ đồng quý II, gấp 5 lần cùng kỳ.
Trong 6 tháng, hàng loạt ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng mạnh bất chấp phải hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng Bản Việt vừa công bố lợi nhuận tăng 29% trong 6 tháng đầu năm cho dù cho vay chỉ tăng 5%.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 29/7, chỉ số VN-Index xoay quanh ngưỡng 800 điểm.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ gặp áp lực giảm điểm trở lại từ vùng 813-821 điểm trong một vài phiên mới. Diễn biến và tình hình kiểm soát Covid-19 cùng với thông tin kết quả kinh doanh quý II sẽ là các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFin Lead... có thể khiến cho thị trường và các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số trên có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7, VN-Index tăng 28,19 điểm lên 813,36 điểm; HNX-Index tăng 5,13 điểm lên 107,98 điểm. Upcom-Index tăng 1,62 điểm lên 55,27 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,6 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)