Hàng loạt ông chủ ngân hàng từ nhiệm

21/07/2015 21:29:26

Trong ngày 21/7, 2 chủ tịch Hội đồng quản trị của 2 ngân hàng từ nhiệm, nối dài danh sách những ông chủ nhà băng rời ghế trong thời gian vừa qua.

Trong ngày 21/7, 2 chủ tịch Hội đồng quản trị của 2 ngân hàng từ nhiệm, nối dài danh sách những ông chủ nhà băng rời ghế trong thời gian vừa qua.
Hôm nay, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Lê Hùng Dũng đã xin thôi nhiệm, đồng thời không tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ mới. Việc từ nhiệm của ông Dũng nối dài thêm danh sách sếp nhà băng rời ghế nóng, cho dù mùa ĐHCĐ ngân hàng vẫn chưa kết thúc.
 
Cùng ngày, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) là ông Cao Sĩ Kiêm cũng xin rút khỏi ban lãnh đạo chỉ sau một năm nắm quyền điều hành nhà băng này. Giống như trường hợp của Eximbank, HĐQT của DongA Bank cũng chịu chỉ trích của cổ đông khi kết quả kinh doanh không khả quan, không chia cổ tức và giá cổ phiếu xuống thấp.
 

Ông Lê Hùng Dũng xin lỗi cổ đông vì kết quả kinh doanh thiếu khả quan.

 
Cụ thể, lợi nhuận thực tế mà Eximbank và DongA Bank lần lượt chỉ bằng 3% và 7% so với kế hoạch đề ra. Cả hai ngân hàng này đều không có kế hoạch trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2014, đồng thời, giá cổ phiếu DongA Bank hiện chỉ dao động trong khoảng 6.000 đồng một đơn vị.
 
Trong ĐHCĐ diễn ra ngày 15/7, Ngân hàng Nam Á cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quốc Toàn. Sau khi ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm, HĐQT Nam A Bank còn lại 5 thành viên, đúng bằng mức tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Ngay trong cuộc họp, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Phan Đình Tân cũng được bầu thay thế cho ông Toàn.
 
Trước thời điểm mùa ĐHCĐ, ngành ngân hàng vài năm qua và đặc biệt là những tháng đầu năm 2015 cũng ghi nhận hàng loạt chủ tịch, tổng giám đốc các nhà băng từ nhiệm trước thềm sáp nhập, tái cơ cấu. Nhiều sếp ngân hàng Habubank, Sacombank, Mekongbank... cũng đã phải rời ghế lãnh đạo trong con sóng của cuộc đại phẫu toàn ngành.
 
Trường hợp của Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương là những ngoại lệ khi chủ tịch và phó chủ tịch đương nhiệm bị đình chỉ chức vụ thay vì có đơn từ nhiệm. Theo đó, các lãnh đạo cũ của nhà băng này bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian nắm quyền điều hành tại ngân hàng.
 
>> Khám xét nhà ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN
>> Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí bị cho thôi chức
>> Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí bị công an mời làm việc nhiều lần
 
Theo T.A (Zing.vn)

Nổi bật