Hàng loạt nhà băng lớn bị cáo buộc phớt lờ giao dịch phi pháp

21/09/2020 15:00:01

Theo tài liệu, các nhà băng như HSBC, JPMorgan Chase, Deutsche Bank, Standard Chartered đã cho phép giao dịch hàng nghìn tỷ USD, bất chấp cảnh báo nguồn gốc.

Thông tin này được đưa ra dựa trên các Báo cáo về Hoạt động Đáng ngờ (SAR) được ngân hàng và nhiều tổ chức tài chính nộp lên Mạng lưới Chống Tội phạm Tài chính (FinCen) thuộc Bộ Tài chính Mỹ. Hơn 2.100 báo cáo đã được BuzzFeed News thu thập, sau đó chia sẻ với Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) và các hãng truyền thông khác.

Theo đó, số giao dịch trị giá hơn 2.000 tỷ USD đã được thực hiện trong giai đoạn 1999 - 2017, dù bị chính các nhà băng này gắn nhãn "đáng ngờ". 5 nhà băng xuất hiện nhiều nhất trong các tài liệu này là HSBC Holdings, JPMorgan Chase & Co, Deutsche Bank, Standard Chartered và Bank of New York Mellon.

Các báo cáo đã vẽ ra bức tranh về nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn rửa tiền và các loại tội phạm khác. Theo đó, hệ thống này đang thiếu tài nguyên và quá tải, khiến lượng lớn tiền phi pháp vẫn được luân chuyển được trong hệ thống ngân hàng.

Hàng loạt nhà băng lớn bị cáo buộc phớt lờ giao dịch phi pháp
Các tờ 100 USD của Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Các vụ việc được nhấn mạnh trong báo cáo là JPMorgan xử lý giao dịch cho các cá nhân và công ty bị nghi tham nhũng tại Venezuela, Ukraine và Malaysia; số tiền trong một mô hình lừa đảo Ponzi qua HSBC và tiền liên quan đến một tỷ phú Ukraine do Deutsche Bank xử lý.

Các báo cáo còn cho thấy các ngân hàng thường xuyên chuyển tiền cho các công ty đăng ký tại các thiên đường thuế nước ngoài, như Quần đảo British Virgin và không biết chủ nhân thực sự của tài khoản là ai. Các nhân viên ngân hàng lớn thường dùng Google để tìm kiếm người đứng sau các giao dịch lớn.

Dù vậy, Reuters khẳng định bản thân các báo cáo này không phải là bằng chứng sai phạm của nhà băng. Và số tài liệu mà ICIJ tiết lộ chỉ là một phần rất nhỏ trong các báo cáo được nộp lên FinCen.

Theo Văn phòng Giám sát Tiền tệ thuộc Bộ Tài chính Mỹ, các nhà băng có tối đa 60 ngày để nộp báo cáo kể từ khi phát hiện ra giao dịch là đáng ngờ. Dù vậy, tài liệu của ICIJ cho biết trong một số trường hợp, phải đến vài năm sau khi xử lý giao dịch đáng ngờ, các nhà băng mới báo cáo.

"Tôi hy vọng những phát hiện này sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách thực hiện ngay lập tức những cải tổ cần thiết", Tim Adams - Giám đốc Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết trong một thông báo, "Như được đề cập trong các báo cáo hôm nay, tác động của tội phạm tài chính đang vượt ra ngoài ranh giới của ngành tài chính. Nó đe dọa đến cả xã hội".

Trả lời Reuters, HSBC cho biết "Tất cả thông tin do ICIJ cung cấp đều là quá khứ" và từ năm 2012, "HSBC đã cải thiện khả năng đấu tranh chống lại tội phạm tài chính". Standard Chartered khẳng định "có trách nhiệm chống lại tội phạm tài chính một cách cực kỳ nghiêm túc và đã đầu tư đáng kể vào chương trình giám sát".

BNY Mellon thì cho biết vẫn "tuân thủ các quy định và luật pháp hiện hành, đồng thời hỗ trợ giới thức thực thi nhiệm vụ". JPMorgan thông báo "luôn có hàng nghìn nhân sự, đầu tư hàng trăm triệu USD cho công việc quan trọng này", đồng thời khẳng định họ "đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc cải cách hệ thống chống rửa tiền".

Deutsche Bank nói rằng báo cáo của ICIJ "đưa ra các vấn đề trong quá khứ". "Chúng tôi đã đầu tư tài nguyên đáng kể vào việc tăng cường kiểm soátvà đang tập trung hoàn thành các nghĩa vụ và trách nhiệm", thông báo cho biết.

Hôm 1/9, FinCen cho biết trên website rằng họ biết một số cơ quan truyền thông sắp đăng tải các bài báo dựa trên các SAR được tiết lộ trái phép. Cơ quan này khẳng định "việc công bố SAR khi không được ủy quyền là một hành vi phạm tội có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ".

Theo Hà Thu (VnExpress.net)