Mới đây, ngân hàng Nhà nước đã quyết định trần lãi suất VND tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.
Còn lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm.
Tiếp đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Tuân theo chỉ thị này, từ 17/3, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động, đưa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đáp ứng quy định mới.
Tại ACB, với kỳ hạn 18-24 tháng, mức tiền gửi từ 5 tỷ trở lên đã giảm mạnh từ 7,8%/năm xuống còn 7,45%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tại ngân hàng này giảm từ 7-7,3%/năm xuống còn 6,7-7%/năm; ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm 0,2%, xuống còn 6,3-6,6%/năm.
Biểu bảng lãi suất huy động của Sacombank cũng có sự điều chỉnh giảm kỳ hạn 12 tháng, số tiền gửi dưới 200 triệu đồng từ 6,9%/năm xuống 6,8%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng với món tiền dưới 200 triệu đồng cũng giảm 0,2% xuống 6,1%/năm.
Tại VietCapitalBank, lãi suất kỳ hạn 24 tháng - 60 tháng giảm 0,1%, xuống 8%/năm; Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1%, xuống 7,8%/năm.
Với sản phẩm tiết kiệm An Thịnh Vượng, lãi suất kỳ hạn 18 tháng - 36 tháng tại VPBank giảm từ 7,25-7,8%/năm xuống mức 7,15 - 7,65%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tối đa chỉ còn 7,2%/năm thay vì mức 7,35% như trước đó.
Đặc biệt tại Techcombank, mức lãi suất tất cả các kỳ hạn (trừ kỳ hạn 18 tháng) áp dụng cho khách hàng thường, độ tuổi dưới 50 tại đây đều giảm dưới 6%/năm, thấp hơn cả mức niêm yết của những ngân hàng thương mại Nhà nước.
Sau 2 lần điều chỉnh kể từ đầu tháng 3, hiện mức lãi suất cao nhất tại đây chỉ ở mức 6,5%/năm áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi từ 3 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 18 tháng thay vì mức 7,2%/năm như hồi đầu tháng...
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động có khiến người dân rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng chuyển sang các kênh đầu tư khác, tiến sĩ Bùi Quang Tín, giảng viên đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng điều này không đáng lo.
“Gửi tiết kiệm vẫn là một trong những kênh vừa an toàn, vừa phát huy hiệu quả đối với người dân. Vì trong bối cảnh này, chứng khoán không phải là kênh phù hợp khi thị trường liên tục giảm giá, thời điểm này rủi ro rất lớn”, vị chuyên gia nói.
Trong khi đó, kênh đầu tư bất động sản thanh khoản kém, lãi suất vay mua bất động sản có xu hướng tăng. Thị trường hàng hóa và các kênh đầu tư khác đều không hấp dẫn, hầu hết trong tình trạng cầm cự qua mùa dịch bệnh.
Vì vậy, nếu tiền gửi tiết kiệm lãi suất vẫn cao hơn lạm phát kỳ vọng 4%/ năm thì vẫn đang tạo ra lợi tức nhất định cho người dân. Hiện lãi suất huy động trung và dài hạn đang ở mức 7-8%, nếu trừ lạm phát 4% thì người dân vẫn được lãi 3-4%.
Riêng với việc hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 4,75%, nếu gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, người dân vẫn có khoản dư nhất định nên đây sẽ vẫn là kênh hiệu quả và an toàn.
Còn đối với các khoản vay vốn, ông Tín nhận định, việc hạ lãi suất cho các gói vay mới là kịp thời để doanh nghiệp có chiến lược mới.
Nhưng với các khoản vay cũ, các doanh nghiệp mong chờ sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ hệ thống các ngân hàng như tái cơ cấu thời gian trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ, thậm chí là có thời gian miễn lãi suất.
“Ngân hàng có thể hỗ trợ đối với việc khoanh nợ, giãn nợ và có những có chính sách kịp thời như tư vấn, hỗ trợ một cách trực tiếp hơn nữa để cho các doanh nghiệp sớm tìm ra các giải pháp để họ có thể trụ được trong thời gian khó khăn lần này”, ông Tín đánh giá.
Theo Hà Nhân (Nguoiduatin.vn)