Hàng loạt homestay rao bán vì 'kiệt sức' do dịch kéo dài

03/09/2021 11:10:54

Sau thời gian dài chống chịu với đại dịch COVID -19, hàng loạt homestay đang được rao bán vì nhà đầu tư dần “kiệt sức” với nhiều khoản nợ ngân hàng. Tuy nhiên, các giao dịch mua bán hầu như không có bởi bên mua đang thăm dò để “bắt đáy”.

Theo báo cáo năm 2019 của AirDNA, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 452% chỉ trong một năm, trong khi mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống - chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung chỗ ở.

Từ đó, cuộc đua kinh doanh homestay cũng bắt đầu nở rộ ở nhiều địa phương. Bên cạnh bố trí lại ngôi nhà mình đang sống để trở thành cơ sở lưu trú cho khách du lịch, nhiều chủ đầu tư bắt đầu thuê lại nhà, hoặc xây mới công trình dạng nhà ở, biệt thự để kinh doanh homestay với chiến lược cạnh tranh riêng. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID -19 bùng phát, cùng với sự “đóng băng” của ngành du lịch, thị trường homestay cũng rơi vào khủng hoảng.

Homestay là loại hình lưu trú tại nhà dân bản địa khi đi du lịch nhưng sau nhiều năm hình thành và phát triển, loại hình lưu trú này có sự thay đổi về bản chất và trở thành một mô hình kinh doanh được đầu tư bài bản. (Ảnh minh họa internet)
Homestay là loại hình lưu trú tại nhà dân bản địa khi đi du lịch nhưng sau nhiều năm hình thành và phát triển, loại hình lưu trú này có sự thay đổi về bản chất và trở thành một mô hình kinh doanh được đầu tư bài bản. (Ảnh minh họa internet)

Khảo sát trên các website môi giới bất động sản, có thể thấy sau thời gian dài chống chịu với dịch bệnh, hàng loạt homestay đã "kiệt sức" và rao bán.

Tại Hà Nội, hàng loạt homestay ở các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn liên tục rao bán với mức giá trung bình từ 3 – 6 triệu đồng/m2. Trong đó, một homestay dành cho đại gia đình nghỉ dưỡng có diện tích 3.161m2 với 8 phòng ngủ, sẵn khuôn viên nội thất đầy đủ ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đang được chính chủ rao bán ở mức 11 tỷ đồng (trung bình 3,5 triệu đồng/m2) với lí do vỡ nợ.

Hay một homestay 4.000m2 mặt hồ ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) có đầy đủ tiện ích như biệt thự, bể bơi, sân vườn, khu bếp riêng biệt, giấy tờ chuyển nhượng có xã xác nhận cũng đang được chủ rao bán với giá 18 tỷ đồng (trung bình 4,5 triệu đồng/m2).

Một tin rao bán homestay ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội) trên Batdongsan.com.vn
Một tin rao bán homestay ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội) trên Batdongsan.com.vn

Ở Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi được mệnh danh là “Thủ phủ homestay” của Việt Nam cũng liên tiếp xuất hiện thông tin rao bán homestay. Trong đó, homestay tại trung tâm xã Trạm Hành (Đà Lạt) có diện tích 22.000m2, pháp lý rõ ràng, đang được rao bán với giá 32 tỷ đồng (tương đương 1,5 triệu đồng/m2). Trong khi đó một homestay kết hợp kinh doanh cà phê ở phường 11 (TP Đà Lạt) rộng 2.860 m2 được rao bán ở mức 28 tỷ đồng (trung bình 9,8 triệu đồng/m2).

Còn tại Ninh Bình, khu homestay diện tích 5.000m2 ở xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) được giới thiệu là kinh doanh từ năm 2017, khách ổn định, thuộc top homestay bán được giá cao nhất Ninh Bình, cách khu du lịch Tràng An, Hang Múa 2,5km đang được rao ở mức 8,5 tỷ đồng (trung bình 1,7 triệu đồng/m2). Trong khi homestay khác cũng ở xã Ninh Thuận với diện tích 1.000m2 gồm 9 căn bungalow, trước COVID -19 kinh doanh rất ổn, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng cũng đang rao bán với giá 8,5 tỷ đồng (trung bình 8,5 triệu đồng/m2).

Theo chủ các homestay, hầu hết homestay đang được rao bán đều có giấy tờ pháp lý rõ ràng và kinh doanh tốt trước đại dịch COVID -19. Đến năm 2020 khi dịch bùng phát, nhiều người vì tin rằng dịch sẽ sớm được khống chế nên vẫn cố chống chịu, nuôi hi vọng vào loại hình du lịch đang được người trẻ ưa xê dịch và khách quốc tế ưa chuộng này.

So với loại hình lưu trú khác, kinh doanh homestay có nhiều ưu thế, nổi trội nhất là chi phí đầu tư linh hoạt, chỉ từ vài chục triệu đồng nên mô hình kinh doanh này được xem là “miền đất hứa" dành cho người mới. Tuy nhiên sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt homestay đang được rao bán vì áp lực tài chính. (Ảnh minh họa: internet)
So với loại hình lưu trú khác, kinh doanh homestay có nhiều ưu thế, nổi trội nhất là chi phí đầu tư linh hoạt, chỉ từ vài chục triệu đồng nên mô hình kinh doanh này được xem là “miền đất hứa" dành cho người mới. Tuy nhiên sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt homestay đang được rao bán vì áp lực tài chính. (Ảnh minh họa: internet)

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, với những diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch qua các làn sóng COVID -19, nhiều người đã bắt đầu kiệt sức vì các khoản nợ ngân hàng dùng để đầu tư cho homestay trước dịch tích tụ ngày càng lớn. Do đó, để giải tỏa áp lực, họ bắt đầu bán tháo tài sản.

“Tôi rao bán homestay từ tháng 9/2020, ban đầu cũng nhiều người gọi điện và đến xem lắm, nhưng càng ngày càng ít mặc dù tôi liên tục giảm giá. Nếu không vướng phải khoản nợ ngân hàng khi đầu tư thêm phòng và bể bơi hồi giữa năm 2019 thì chắc tôi cũng sẽ cố cầm cự vì nếu hết dịch chắc chắn homestay vẫn là loại hình được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng mà với tình hình này thì không biết đến khi nào khống chế được dịch để cuộc sống được trở lại trạng thái bình thường nên tôi đành lòng phải bán”, chủ một homestay cho biết.

Trong khi đó, một số môi giới “sành nghề” nhận định, mặc dù hàng loạt homestay ở những khu vực du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng liên tục rao bán nhưng hầu như không có giao dịch diễn ra. Nguyên nhân một phần là do nhà đầu tư có tâm lý không biết khi nào hết dịch, nếu bỏ ra số tiền lớn lúc này mà không kinh doanh được sẽ vô cùng rủi ro. Còn phần khác là bởi bên mua đang thăm dò để “bắt đáy” khi giá homestay xuống thấp hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định homestay là một trong những loại hình đa dạng hóa kinh doanh du lịch đối với những khách hàng thích trải nghiệm, thích khám phá các văn hóa vùng miền. Nên đây là loại hình thích hợp để duy trì và phát triển.

"Tuy nhiên, loại hình này đang phát triển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ là chính nên tính chuyên nghiệp, quy củ, sự quản lý của Nhà nước đang rất lỏng lẻo. Vì vậy, loại hình này cần phải thay đổi để tồn tại, cần được nâng cấp quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển tốt nhất", ông Đính nói.

Theo Lộc Liên (Tiền Phong)