Văn bản chính thức của Cục Quản lý Dược gửi Trí Thức Trẻ khẳng định: Chất Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone có trên bao bì hàng loạt dầu gội nổi tiếng không phải là chất cấm.
Dẫn ra Công văn 6577/QLD-MP ban hành ngày 13/4/2015 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các thông tin này cho rằng:
- Chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp của Methylchlorothiazolinone (MCT) với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off product); và hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 nếu có thêm MIT thì không được sử dụng trong 1 sản phẩm mỹ phẩm.
- Các sản phẩm dầu gội nhãn hiệu như Pantene, Sunsilk, Clear, Hazeline, Rejoice, Double Rich, Enchanter... do có chứa 2 loại chất MIT và MCT trên bao bì nên đáng lẽ phải thu hồi, nhưng không hiểu sao suốt 1 năm qua vẫn được lưu hành rộng rãi trong mọi siêu thị?
Tuy nhiên, các nguồn tin này không hề kiểm chứng độ xác thực từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng như không ghi nhận phản hồi chính thức từ các doanh nghiệp. Vì thế, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tiến hành tìm hiểu sự thật đằng sau các thông tin nhiễu loạn.
Và kết là, các nhãn hiệu dầu gội nêu trên đã bị quy kết "oan" là sử dụng chất cấm, bởi MIT, hỗn hợp MCT+MIT theo tỷ lệ 3:1 được phép dùng với một liều lượng nhất định.
Trong chiều nay (18/5), chúng tôi đã nhận được văn bản từ Cục Quản lý Dược nói rõ về vấn đề này, xin trích đăng những nội dung liên quan để bạn đọc theo dõi:
Bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN triển khai thực hiện Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN, theo đó, thống nhất cách thức quản lý mỹ phẩm, chuyển từ hình thức "đăng ký lưu hành" sang "công bố sản phẩm", thống nhất yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm (giới hạn kim loại nặng, giới hạn vi sinh vật), thống nhất về qui định danh mục các chất dùng trong mỹ phẩm.
Theo đó, ngày 13/4/2015, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 6577/QLD-MP về việc cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm. Trong đó có cập nhật qui định mới về sử dụng Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39, 57 Annex V) và lộ trình áp dụng như sau:
+ Methylisothiazolinone (MIT) được dùng với nồng độ tối đa 0,01% trong các sản phẩm mỹ phẩm.
+ Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1được dùng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off product) với nồng độ tối đa 0,0015%;
+ Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 không được dùng thêm thành phần Methylisothiazolinone (MIT) trong cùng một sản phẩm.
Do vậy, theo Cục Quản lý Dược, thành phần Methylisothiazolinone (MIT) với nồng độ không quá 0,01% vẫn được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm như thông thường, chứ không phải là thành phần bị cấm sử dụng.
Tương tự như hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 với nồng độ không quá 0,0015%, vẫn được sử dụng các ở sản phẩm rửa sạch (rinse-off product, như: dầu gội, dầu xả, sữa tắm, xà phòng, nước rửa tay,...), có qui định giới hạn về nồng độ hàm lượng, chứ không phải bị cấm sử dụng.
Lộ trình áp dụng: Thời hạn áp dụng đối với các sản phẩm công bố mới đến hết ngày 01/7/2015 (không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố mới cho các sản phẩm không đáp ứng qui định mới từ sau ngày 01/7/2015). Các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường đáp ứng qui định cũ mà chưa đáp ứng qui định mới được lưu hành đến hết ngày 30/4/2016.
Trên qui định khung của ASEAN, và cũng xuất phát trên cơ sở đánh giá nguy cơ (đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chỉ ra việc sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm có các hoạt chất với tỷ lệ quy định cũ là không an toàn), nên các nước có qui định kéo dài thêm lộ trình áp dụng với các quy định cũ. Cụ thể: Thái Lan, Myanma, Campuchia và Lào kéo dài đến hết tháng 11/2016, của Indonesia là hết tháng 12/2016.
Trên cơ sở đó, ngày 29/4/2016, Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn số 6959/QLD-MP về việc qui định các chất dùng trong mỹ phẩm.
Vậy thông tin để phóng viên được biết.
Theo H.Đan (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)