Hàng loạt cây xăng đóng cửa cho thấy điều hành xăng chưa phù hợp

10/10/2022 16:02:45

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội bổ sung tình hình liên quan xăng dầu khi hàng loạt cửa hàng phản ánh thua lỗ và đóng cửa, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (10/10) đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu trình bày đề cập đến giá xăng dầu biến động và có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao.

Hàng loạt cây xăng đóng cửa cho thấy điều hành xăng chưa phù hợp
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu. Ảnh: Phạm Thắng

Trong báo cáo kiến nghị của cử tri cho biết, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Song, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn lo lắng về thực tế đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, cử tri bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng.

Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn...

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút BHXH một lần gia tăng trong thời gian vừa qua. Đề nghị Bộ LĐTB&XH đề xuất với Chính phủ mở rộng đối tượng người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hơn nữa.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri đánh giá cao việc kiên quyết xử các tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.

Báo cáo dẫn chứng việc xử lý nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Y tế; nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Hải Dương; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; cũng như việc thi hành kỷ luật và cho thôi Ủy viên trung ương Đảng đối với 3 cán bộ đương chức…

Cử tri cũng ghi nhận việc các cơ quan tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt trong điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác…

Về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%; song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% với 396 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Cử tri đề nghị Nhà nước sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong những dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản Nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử.

Hàng loạt cây xăng đóng cửa cho thấy điều hành xăng chưa phù hợp - 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Nghĩa Đức

Góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhân dân phản ánh điều hành chính sách, kể cả điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu và quy định chiết khấu hiện nay chưa phù hợp.

Ông nêu thực tế, một số cửa hàng xăng dầu nói "đã kinh doanh là lỗ, nên người ta đóng cửa". Việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống. Ông còn cho biết, có chỗ chỉ bán cho người dân 50.000 đồng tiền xăng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cân nhắc về đánh giá nguyên nhân của tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc cũng như an ninh trật tự.

Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy trong 2,5 năm qua có hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư, là vấn đề được cử tri quan tâm, song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống như báo cáo nêu.

Hàng loạt cây xăng đóng cửa cho thấy điều hành xăng chưa phù hợp - 2
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Nghĩa Đức

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu việc người dân phàn nàn về việc thu hồi sổ hộ khẩu theo quy định khi người dân tiến hành thay đổi thông tin và cuối năm nay sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị sử dụng nhưng việc cấp các xác nhận còn chưa thực sự thuận lợi cho người dân.

Ông đề nghị cơ quan chức năng hết sức quan tâm, có hướng dẫn; khẩn trương rà soát các quy định phù hợp, hướng dẫn sử dụng căn cước công dân gắn chíp để tạo thuận lợi nhất cho người dân, và cũng là bước chuẩn bị tích cực khi hết năm nay sổ hổ khẩu hết giá trị sử dụng thì không phát sinh vướng mắc, bất cập lớn.

Tính đến tối 9/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 54/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu, chủ yếu ở các quận Tân Bình, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh... Người dân phải xếp hàng, chen nhau đi đổ xăng giữa đêm ở TP.HCM. 

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận, tình hình cung ứng xăng dầu của TP đang gặp những khó khăn nhất định, nguồn cung thiếu hụt cục bộ do việc nhập khẩu của một số đơn vị bị gián đoạn, việc vận chuyển vừa qua cũng bị ảnh hưởng do tình hình bão lũ. 

Theo Sở Công Thương, từ những nguyên nhân trên, một số cửa hàng bán lẻ đã tạm ngưng hoạt động hoặc kinh doanh gián đoạn, đặc biệt vào thời gian giờ cao điểm do xe bồn vận chuyển xăng dầu không được lưu thông được. Các cửa hàng này chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không theo chuỗi và nguồn lực có giới hạn nên khó cân đối, bù đắp chi phí.

Theo Trần Thương (VietNamNet)