Hàng không ế khách giữa cao điểm hè

19/06/2024 13:36:33

Giá vé máy bay còn khá cao khiến nhiều người dân quay lưng với hình thức vận chuyển này

Những ngày giữa tháng 6, dù đã bước vào cao điểm du lịch hè 2024 nhưng theo các hãng hàng không, tỉ lệ đặt chỗ cho các chuyến bay nội địa vẫn ở mức trung bình thấp. Cụ thể, tỉ lệ đặt chỗ bình quân trên những đường bay từ Hà Nội và TP HCM đến các điểm du lịch chỉ đạt hơn 50% vào những ngày gần; với những ngày xa hơn, tỉ lệ này chỉ còn 20%-40%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vé máy bay còn quá cao.

Bay đêm cũng ế

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, gần đây, các hãng hàng không đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm giá vé so với những tháng trước. Hiện giá vé phổ thông chưa gồm thuế, phí, phụ thu dịch vụ tăng thêm trên các đường bay nội địa dao động trong khoảng 30%-70% mức tối đa được quy định. 

Đơn cử, trên đường bay "vàng" TP HCM - Hà Nội, Vietnam Airlines đang cung ứng vé vào cuối tháng 6 ở mức giá 1,2 - 1,7 triệu đồng/chiều (35%-50% mức tối đa), Vietjet Air có mức giá 0,8 - 1,4 triệu đồng/chiều (24%-42% mức tối đa), Bamboo Airway và Vietravel Airlines có mức giá 0,9 - 1,3 triệu đồng/chiều (27%-39% mức tối đa). 

Trên đường bay du lịch như Hà Nội - Đà Nẵng, Vietnam Airlines cung ứng vé 0,6 - 1,7 triệu đồng/chiều (21%-56% mức tối đa), Vietjet Air có mức giá 0,5 - 1,6 triệu đồng/chiều (18%-42% mức tối đa), Bamboo Airways 0,95 - 1,7 triệu đồng/chiều (33%-56% mức tối đa), Vietravel Airlines 0,7 - 1,5 triệu đồng/chiều (24%-52% mức tối đa). Tuy nhiên, nếu tính thêm các loại thuế, phí thì giá vé thực tế sẽ tăng thêm cả triệu đồng/chiều.

Ngoài ra, gần đây các hãng còn tăng cường bay đêm để giảm bớt chi phí cho cả hãng và hành khách nhưng lại không được thị trường đón nhận. Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết trong tháng 5-2024, hãng đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách dù giá vé (đã bao gồm thuế, phí) tiết kiệm đến 30% so với bay vào khung giờ trưa hoặc chiều. Nguyên nhân là vì bay đêm chưa thuận tiện cho khách, công ty du lịch ngại ngần và chi phí thực tế không tiết kiệm được nhiều so với khung giờ khác.

Thực tế, khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp du lịch lẫn hành khách đều nói "không sẵn sàng mua vé bay đêm dù giá rẻ hơn". "Dù bay đêm giá có rẻ hơn vài trăm ngàn đồng nhưng tôi không lựa chọn vì đi du lịch thì giờ giấc phải thuận tiện. Bay đêm sau 22 giờ rồi tới khách sạn 1 - 2 giờ sáng chỉ để ngủ chứ sao đi tham quan, vui chơi được. Chưa kể, nếu bay giờ đó coi như mất nửa ngày tiền thuê khách sạn, vì giờ nhận phòng phổ biến là 14 - 15 giờ hằng ngày" - chị Hoàng Linh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) phân tích.

Nhiều công ty du lịch cũng nói thẳng là "quá khó" để xây dựng tour và bán cho khách với giờ bay đêm. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, cho biết bay đêm đã được các hãng hàng không triển khai từ lâu chứ không phải mới, gần đây được đẩy mạnh do thiếu máy bay và giá vé tăng cao. Nhưng bay sau khung 21 giờ thường phù hợp với cá nhân về nhà, thăm thân; còn đi du lịch thì rất khó.

Theo ông Mẫn, khi bay sau 22 giờ, nếu gặp trường hợp chuyến bay bị delay (chậm chuyến), khi đáp xuống điểm du lịch cũng 1 - 2 giờ sáng. Mốc thời gian này không thuận tiện nếu sân bay ở xa khách sạn, phải sử dụng thêm dịch vụ của khách sạn ban đêm. "Tiết kiệm được một phần giá vé máy bay nhưng lại phát sinh thêm chi phí khác. Quan trọng là khách du lịch hè thường đi cùng gia đình, có trẻ em nên bố trí khởi hành vào ban đêm là điều tối kỵ vì ngược với giờ sinh hoạt của trẻ. Doanh nghiệp cũng không thể tổ chức tour đưa khách tới nơi rồi… đi ngủ" - ông Mẫn lý giải.

Ông Trần Thanh Vũ, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Vinagroup, cũng nhìn nhận chi phí cho các chuyến bay đêm nội địa không rẻ vì phát sinh nhiều chi phí khác như tốn thêm một đêm khách sạn, tiền đi lại, ăn sáng… khiến lịch trình bị kéo dài thêm. "Chuyến bay đêm là nỗ lực của ngành hàng không nhưng thực tế lại chưa được đón nhận vì kéo theo nhiều vấn đề khác trong tour" - ông Vũ nói.

Hàng không ế khách giữa cao điểm hè- Ảnh 1.
Nhu cầu bay đêm của khách du lịch không cao. Ảnh: LAM GIANG

Nhiều điểm du lịch bị "vạ lây"

Hệ quả của việc hàng không ế khách là các điểm du lịch bị vạ lây. Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch thuộc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết khách du lịch nội địa đến địa phương dịp hè này giảm hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không giảm mạnh do giá vé máy bay tăng cao, trong khi khách đi bằng tàu hỏa và đường bộ lại tăng.

Thường xuyên đón khách ở sân bay Đà Nẵng, ông Hoàng Việt Hưng, một hướng dẫn viên du lịch, cho hay lượng khách nội địa đến sân bay Đà Nẵng sụt giảm thấy rõ. 

Ông tính toán bình quân một khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng chi khoảng 4,5 - 5 triệu đồng để mua vé khứ hồi nên ngày càng ít du khách lựa chọn đường hàng không, đặc biệt là khách đi theo đoàn hoặc gia đình. 

Thay vào đó, một số gia đình chọn di chuyển đến Đà Nẵng bằng ô tô khách hoặc tự lái để tiết kiệm chi phí. Theo ông Hưng, hiện tại khi các hãng triển khai bay đêm để hạ nhiệt giá vé nhưng cũng không đáng kể vì tốn thêm chi phí khách sạn và đi lại vào ban đêm.

Tương tự, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion, Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Khánh Hòa - thông tin sau dịp lễ 30-4 đến nay, giá vé máy bay vẫn còn cao. Hiện giá vé máy bay từ Hà Nội đến Nha Trang chiếm khoảng 60% chi phí tour. Do đó, khách đến từ các tỉnh phía Bắc vào dịp hè này giảm 50% so với cùng kỳ năm 2023. Khách từ các tỉnh, thành phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng không chọn đi bằng hàng không mà bằng ô tô vì đã có đường cao tốc, chỉ mất 5 - 6 giờ chạy xe.

Dưới góc độ người làm ngành hàng không, để tăng hiệu quả của những chuyến bay đêm, ông Lê Hồng Hà đề xuất cần tạo sức hút với thị trường, tạo thói quen mới trong tiêu dùng của khách hàng. Cần có giải pháp hợp tác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp chuyến bay đêm như đêm nghỉ đầu tiên ở khách sạn có thể giảm giá 50% hoặc miễn phí…

Ông Nguyễn Minh Mẫn góp ý ngành du lịch - hàng không có thể tính toán phương án khác khả thi hơn, như kết hợp giữa hàng không và lưu trú, tạo một combo cung cấp cho lữ hành để bán cho khách du lịch với giá hợp lý. Cả sự vào cuộc của hàng không, lưu trú và lữ hành cùng tham gia với kỳ vọng kích cầu khả thi hơn. 

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet, đề xuất Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các sân bay để tăng năng lực cho cả ngành hàng không.

Theo Nhóm PV (Nld.com.vn)