Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn ở vùng cao nhất trong vòng 1 năm qua và khối tài sản của doanh nhân này đạt mức 7,3 tỷ USD, giúp ông Vượng vững ngôi vị giàu nhất tại Việt Nam.
Tờ báo Hàn Quốc The Korea Times vừa cho biết, cuộc đàm phán giữa Tập đoàn LG Electronics và Tập đoàn Vingroup về việc sang nhượng các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam và Brazil đã không đạt kết quả vì vấn đề giá cả.
Theo đó, cuộc đàm phán giữa LG và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về việc bán lại các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam và Brazil của LG cho Vingroup đã đổ bể do công ty Việt Nam ra giá thấp hơn mức mà công ty Hàn Quốc mong muốn.
Trước đó, các tờ báo Hàn đã đề cập tới một cuộc đàm phán giữa LG và ông lớn doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam Vingroup về thương vụ nói trên. Thông tin cũng cho biết, Vingroup là khách hàng phù hợp vì tập đoàn này đang mở rộng kinh doanh sang mảng công nghệ cao. Vingroup có tiềm lực và có tham vọng phát triển trong lĩnh vực này.
Sở dĩ LG muốn bán mảng sản xuất điện thoại di động cho Vingroup là bởi ông lớn Hàn Quốc gặp khó khăn tài chính gia tăng trong những năm gần đây. LG cũng muốn tập trung cho các mảng khác như thiết bị cho xe điện.
Trong khi đó, việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán của ông Vượng trong mảng này vẫn tiến triển theo hướng tích cực với số lượng điện thoại Vsmart bán trong nước liên tục tăng cao trong cả năm qua cho dù tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam mới bước vào thị trường smartphone từ 2018. Hiện Vingroup đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Samsung Electronics và Oppo.
Thông tin trên trang web của nhà mạng hàng đầu của Mỹ - AT&T gần đây đã xuất hiện hình ảnh giá cả của những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của Vingroup, một minh chứng cho kế hoạch tấn công vào thị trường điện thoại thông minh của Mỹ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Thông tin ban đầu cho thấy, đã có 3 mẫu điện thoại mang ID V340U, V341U và V350U do nhà sản xuất VinSmart chính thức lên kệ của nhà mạng AT&T. Thông tin hình ảnh đính kèm cho thấy, 3 mẫu có tên tương ứng và ID nhà sản xuất tương ứng là: Fusion Z (V340U), Motivate (V341U) và Maestro Plus (V350U).
Trước đó, nhiều người kỳ vọng việc mua được LG tại Việt Nam và Brazil sẽ giúp Vsmart của Vingroup dễ dàng hơn khi tấn công vào thị trường Bắc Mỹ. Nó cũng giúp mảng điện thoại của Vingroup có một bước tiến nhanh hơn, nhờ vào danh tiếng, công nghệ và mạng lưới của LG. Tuy nhiên, những diễn biến mới cho thấy, Vingroup vẫn có những con đường khác để tấn công vào thị trường đòi hỏi cao Bắc Mỹ, trước khi sang các thị trường khác.
Tham vọng của ông Phạm Nhật Vượng là rất lớn trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, với điện thoại Vsmart, ô tô Vinfast và ô tô điện… Nhưng khó khăn còn nhiều, nhất là nếu mảng cốt lõi và là trụ đỡ bất động sản gặp khó khăn.
Trong vài năm gần đây, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng phải rút khỏi nhiều lĩnh vực như bán mảng bán lẻ cho tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và gần đây là tặng Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang cho dù đạt rất nhiều thành tích trong các lĩnh vực này.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index có xu hướng tăng nhẹ hiện đang ở ngưỡng 1.175 điểm.
Theo MBS, hôm qua không phải là phiên đầu tiên thị trường bị ép xuống ở thời điểm cuối phiên, thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm bluecchip đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.175 điểm. Về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi chỉ số VN-Index đã vượt trendline giảm giá kể từ đầu năm. Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluecchip, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.200 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2, VN-Index tăng 1,54 điểm lên 1.175,04 điểm; HNX-Index tăng 6,79 điểm lên 237,97 điểm. Upcom-Index tăng 0,44 điểm lên 76,57 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 17,6 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)