Hàng chục tấn vàng bán ra mỗi năm, người mua chịu đắt, đại gia lãi khủng

27/06/2023 10:58:47

Chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới rất cao không chỉ làm người mua chịu thiệt mà đây cũng là miếng mồi béo bở cho những đối tượng buôn lậu vàng kiếm lợi nhuận phi pháp rất lớn.

Sôi động ngầm

Vài năm gần đây, thị trường vàng miếng trong nước không còn những đợt sốt nóng, tăng vọt vài triệu đồng/lượng/ngày rồi sụt giảm nhanh. Tuy nhiên, chênh lệch với giá thế giới còn rất cao, lên tới 10-18 triệu đồng/lượng tùy vào thời điểm.

Dù vậy, sức tiêu thụ vàng tại Việt Nam vẫn thuộc Top đầu trong khu vực và thị trường sôi động ngầm.

Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 41 tấn vàng trong năm 2022 (tăng 32% so với năm 2021), đồng thời là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ kim loại quý này.

Trong quý IV/2022, tiêu thụ vàng của Việt Nam tăng 48% lên 9 tấn. Sự tăng trưởng mạnh mẽ được ghi nhận ở cả vàng miếng và vàng trang sức. Sức cầu vàng trang sức tăng rất mạnh.

Với mức giá vàng miếng quy đổi từ giá thế giới hiện khoảng 55,4 triệu đồng/lượng, Việt Nam phải chi ra khoảng 60.419 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,6 tỷ USD) nếu phải nhập khẩu 41 tấn vàng nói trên.

Trong khi đó, với giá bán lẻ ở thị trường trong nước khoảng 67 triệu đồng/lượng, tổng giá trị đạt khoảng 73.070 tỷ đồng (tương đương gần 3,1 tỷ USD). Mức chênh đạt khoảng 500 triệu USD cho năm 2022.

Nhu cầu vàng trang sức ở thị trường nội địa tăng cao cùng với sự mở rộng của nhiều thương hiệu như SJC, PNJ, Doji…

Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. NHNN chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể là nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, người mua chịu thiệt. Chênh lệch giá cao cũng là miếng mồi béo bở cho những đối tượng buôn lậu vàng kiếm lợi nhuận phi pháp rất lớn.

Vụ ông Lê Xuân Tùng, Chủ tịch CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý bị khởi tố tội Trốn thuế trong vụ nhập lậu 3 tấn vàng trị giá 5.000 tỷ đồng, tạm tính chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới là 11 triệu đồng, cộng với thuế phí các loại trốn lậu không nộp, số lợi bất chính thu lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Hàng chục tấn vàng bán ra mỗi năm, người mua chịu đắt, đại gia lãi khủng
Thị trường vàng trang sức phát triển mạnh trong những năm gần đây. (Ảnh: HH)

Trong bối cảnh thế giới đang phát triển mạnh thị trường vàng trang sức thì tại Việt Nam, các doanh nghiệp hầu như không được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Doanh nghiệp có thể mua vàng trôi nổi ngoài thị trường.

Ai thống trị thị trường vàng miếng, vàng trang sức?

Trên thị trường, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng được biết đến phổ biến tại Việt Nam gồm: SJC, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Doji, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Phú Quý…

Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn, nhưng thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh với phần lớn thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống. Các doanh nghiệp lớn có hệ thống cửa hàng trải khắp cả nước như PNJ, Doji, SJC… đang gia tăng thị phần, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng trên 30%.

Về thị phần, SJC đứng đầu về doanh thu. Tuy nhiên, về lợi nhuận, PNJ mới là số 1.

Trong năm 2018, lợi nhuận của PNJ đạt gần 960 tỷ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của Doji và SJC cộng lại. Lợi nhuận Doji (công ty mẹ) và SJC chỉ vài chục tỷ đồng.

Những năm qua, thị trường vàng Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt phân khúc trang sức với khoảng hàng chục tấn tiêu thụ mỗi năm. Tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp rất mạnh.

Trong lĩnh vực kinh doanh vàng, doanh thu của Doji đã tăng gấp 8 lần sau 10 năm, từ 11.000 tỷ đồng trong năm 2009 lên 90.000 tỷ đồng năm 2019. Doji cũng lọt vào top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Trong năm 2022, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ghi nhận doanh thu tăng gần 54% lên 27.154 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 12% lên gần 48,6 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt doanh thu 38.611 tỷ đồng (1,6 tỷ USD) năm 2022, tăng vọt so với mức 22.094 tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.775 tỷ đồng, so với mức 1.055 tỷ đồng trong năm 2021.

Hàng chục tấn vàng bán ra mỗi năm, người mua chịu đắt, đại gia lãi khủng - 1
 Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 41 tấn vàng trong năm 2022 (Ảnh: HH)

Mặc dù các doanh nghiệp lớn ghi nhận doanh thu từ vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng khó khăn khá nhiều, đặc biệt lĩnh vực vàng trang sức do gặp khó trong nguyên liệu đầu vào và giá vàng trong nước ở mức cao hơn hẳn so với giá thế giới.

Đánh giá về thị trường vàng hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường vàng trong nước đang mất cân bằng so với thế giới. Giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá quốc tế.

Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới việc nhập lậu vàng và tình trạng này có thể đã diễn ra từ lâu. Không loại trừ số lượng nhập lậu (có thể) nhiều hơn nhiều con số 3 tấn mà Cơ quan cảnh sát Bộ Công an vừa khởi tố vụ án liên quan tới Chủ tịch CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý.

Về tác động tới thị trường ngoại hối, ông Hiếu cho rằng, chưa thể đánh giá việc nhập lậu vàng có ảnh hưởng tới thị trường này như thế nào. Theo đó, những người nhập lậu vàng có thể mang USD từ trong nước ra nhưng cũng có thể có nguồn sẵn USD ở nước ngoài.

Còn về các chính sách đối với thị trường vàng, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trước kia những biện pháp của NHNN đã giúp kiểm soát được tình trạng vàng hóa. Tuy nhiên, hiện các chính sách này không còn phù hợp.

Giá vàng chênh quá cao so với thế giới gây ra sự mất cân bằng và khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt thị trường vàng trang sức phát triển và người dân chịu thiệt khi phải mua giá vàng cao.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)