Hải sản ngoại đổ về Việt Nam

13/12/2018 11:20:24

Nếu tôm hùm Việt loại trên 1 kg có giá 2,6 triệu đồng thì nhiều hàng nhập chỉ 500.000 - 1,6 triệu đồng.

Cách đây 2 năm, hải sản ngoại về Việt Nam chủ yếu qua đường xách tay với số lượng chừng 10 - 20 kg thì nay tăng đột biến. Do lượng hàng về nhiều nên giá các sản phẩm hải sản cao cấp này dần hạ nhiệt. Thậm chí có những loại rẻ hơn cả hàng Việt.

Anh Hoàng, chủ cửa hàng hải sản ở quận Bình Tân cho biết, trước đây cua Alaska, tôm hùm Canada có giá lên tới 1,6 triệu đồng một kg thì nay hạ nhiệt chỉ ở mức 500.000 - 900.000 đồng một kg. Riêng với cá hồi, mức giá luôn trên 600.000 đồng thì nay các siêu thị, cửa hàng chỉ bán với giá 496.000 đồng một kg và chỉ khoảng 350.000 đồng với những khách hàng mua sỉ nguyên con.

"Cách đây hai năm chỉ vài cửa hàng nhập những loại hải sản cao cấp này về bán thì nay tăng 5 - 6 lần. Do đó, giá tôm hùm Canada, cua Alaska thậm chí còn rẻ hơn cả hàng Việt nên người tiêu dùng ngày càng lựa chọn nhiều hơn", anh Hoàng nói.

Hải sản ngoại đổ về Việt Nam
Không chỉ có hàng ướp lạnh, tôm hùm Canada còn được vận chuyển sống về Việt Nam. 

Cũng cho biết hải sản ngoại loại cao cấp đang ồ ạt về Việt Nam, anh Lâm, chủ cửa hàng ở Vườn Lài, quận Tân Phú thay vì bán hải sản Việt thì nay chuyển sang nhập 70% hàng ngoại, 30% là hàng nội.

Tại cửa hàng này, tôm hùm Việt loại baby đã 720.000 đồng một kg, riêng với những con trên một kg giá là 1,6 triệu đồng. Với loại tôm hùm bông sống từ 1,2 kg trở lên giá 2,6 triệu đồng. Trong khi đó, tôm hùm Canada giá chỉ quanh mức 900.000 -1,2 triệu đồng một kg. Những loại có trọng lượng vài kg giá cũng chỉ ở mức 1,4 triệu đồng một kg nên nhiều khách chuyển sang chọn hàng ngoại. Với cua hoàng đế, ngoài chân cua đông lạnh thì cửa hàng còn nhập nguyên con.

Lý giải tôm hùm Canada giá rẻ hơn tôm hùm trong nước, anh Lâm cho hay, do đơn vị là đối tác nhập trực tiếp từ chính ngư dân Canada, lại nhập số lượng lớn nên giá tốt.

Là đơn vị chuyên nhập khẩu hải sản, giám đốc công ty hải sản ở quận Bình Thạnh cho hay, hải sản Việt thường theo mùa. Riêng những mặt hàng như tôm hùm, cua hoàng đế số lượng luôn hạn chế. Chẳng hạn như tôm hùm, nếu thời tiết thiếu thuận lợi, tôm chết hàng loạt giá sẽ tăng đột biến, trong khi đó hàng ngoại ổn định, giá cả phải chăng.

"Nếu như tôm Canada mua tận gốc giá chỉ 400.000 - 500.000 đồng một kg, sau khi trừ tất cả mọi chi phí giá tăng gấp đôi nhưng vẫn phù hợp với túi tiền người tiêu dùng", vị này nhận định và cho biết, ngoài nhập hàng ngoại bán trong nước, công ty ông còn nhập về đóng gói để bán cho các quốc gia khác có nhu cầu.

Hiện, ngoài việc nhập tôm hùm Canada, Australia, các cửa hàng, doanh nghiệp còn nhập các loại cua, sò, bào ngư đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Sắp tới, các loại thủy sản ngoại không chỉ ồ ạt bằng đường tiểu ngạch mà còn vào Việt Nam theo chính ngạch với số lượng lớn hơn. Điển hình như, các sản phẩm của Hàn Quốc, Mỹ...

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây, các nhà xuất khẩu hải sản Mỹ đánh giá Việt Nam là thị trường lớn thứ 9 của Mỹ nên họ muốn các loại hải sản cao cấp của mình trở thành thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Các doanh nghiệp nước này nhận xét, thị trường tiêu thụ mặt hàng này khá rộng, từ nhà hàng, khách sạn, khách lẻ đến cung cấp cho thị trường Campuchia. Ngay cả những quán ốc nhỏ cũng đã lấy tôm hùm ngoại về bán nhưng chủ yếu lấy loại có kích cỡ nhỏ vì giá phải chăng.

"Vài năm trở lại đây, Việt Nam trở thành thị trường mới nổi và phát triển rất nhanh đối với sản phẩm tôm hùm Mỹ", bà Colleen Coyne phụ trách chương trình hải sản - Hiệp hội xuất khẩu hải sản vùng Đông Bắc Mỹ đánh giá trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9. Bà cũng cho biết, sau chuyến làm việc, các công ty đều có phản hồi tích cực, hy vọng có cơ hội hợp tác với các khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà, khi đến thị trường Việt Nam, một số công ty của Mỹ đã gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc tìm kiếm đối tác có đủ năng lực để hợp tác trong các lĩnh vực như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như những quy định khác trong lĩnh vực hải sản.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, 10 tháng, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2017. Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trong 9 tháng đầu năm là Ấn Độ, Nauy, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, Mỹ. Giá trị nhập khẩu thủy sản tăng ở hầu hết thị trường chính, ngoại trừ Trung Quốc (-5,5%). Trong đó, giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Indonesia, Nauy và Hàn Quốc, lần lượt tăng 96% và 57% so với cùng kỳ.

Theo Thi Hà (VnExpress.net)

Nổi bật