Hai năm sống trong lo sợ, chị em cùng nhau ôm khoản lỗ 1,5 tỷ đồng

12/03/2022 06:50:27

Tới gần 10 giờ sáng mà quán cà phê không có một khách nào, chị Nguyễn Thu Trang (Hà Đông, Hà Nội) cùng hai nhân viên ngồi bấm điện thoại. 

 

Thua lỗ tiền tỷ

Kinh doanh quán cà phê tại Hà Đông được 2 năm, chị Trang đang rơi vào tình trạng khó khăn. Khác với mọi năm, khi được mở bán trở lại, quán cà phê thường đông khách. Năm nay, tình hình lại khác hẳn. Dù quán được kinh doanh nhưng số lượng khách tới quán ngày càng thưa thớt. Trung bình mỗi ngày chưa đầy vài chục khách nên doanh thu cả quán sụt giảm mạnh. 

“Số ca F0 ngày càng tăng, người dân cách ly tại nhà nhiều và ít đi ngồi cà phê do lo ngại dịch bệnh. Các chủ quán như tôi ai cũng kêu như vạc”, chị Trang nói.

Theo chị Trang, hơn hai năm qua, kinh doanh cà phê lao đao vì dịch. Nhiều thời điểm, quán phải đóng cửa cả quý do hoạt động chống dịch. Tuy nhiên, mở quán đã lâu nên chị Trang cố gắng gượng. Tới khi trở về trạng thái “bình thường mới”, hàng ăn được mở nhưng tình cảnh không mấy sáng sủa.

Số lượng khách tới quán giảm mạnh, đặc biệt nhiều khách quen không quay trở lại. “Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, kèm theo đó là nghỉ việc, thay đổi công ty nên khách cứ bớt dần bớt dần”, chị cho biết thêm.

Hai năm sống trong lo sợ, chị em cùng nhau ôm khoản lỗ 1,5 tỷ đồng
Nhiều quán cà phê vắng khách (Ảnh: Ngọc Cương)

Chị Trang đang gánh một khoản chi phí lớn gồm 15 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân viên, cơ sở vật chất,... khoảng hơn 10 triệu đồng nữa. Nếu doanh thu không đủ chi, chị phải bù tiền. Để tiết kiệm chi phí, chị Trang vừa pha chế kiêm bưng bê dọn dẹp tại quán và chỉ tuyển thêm 2 nhân viên giờ cao điểm. 

“Mình cố gắng gượng thêm một thời gian nữa xem thế nào, nếu không ổn sẽ trả lại mặt bằng, tìm cách khác làm ăn”, chị Trang cho hay.

Không được may mắn như chị Trang, anh Trần Hồng Quân (chủ một quán cà phê tại Hà Đông) đang rao chuyển nhượng lại quán. Năm 2019, anh đầu tư hơn 2 tỷ đồng thuê mặt bằng tại tầng 1 của trung tâm thương mại, mở kinh doanh cà phê nhượng quyền. Theo tính toán ban đầu, nếu kinh doanh tốt và nguồn thu ổn định, chỉ 2 năm anh đã thu hồi vốn. 

Tuy nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của quán. Liên tục đóng cửa để chống dịch, cùng với lượng khách giảm mạnh khiến doanh thu quán luôn không đạt. Trong khi đó, số tiền anh trả trước để thuê mặt bằng không được chủ nhà hỗ trợ. 

Qua đàm phán nhiều lần, chủ nhà chỉ hỗ trợ các tháng đóng cửa do giãn cách, còn khi hoạt động trở lại thì vẫn thu như bình thường.  “Khách tới quán khá ít, không đủ duy trì hoạt động, trả tiền cho nhân viên,... thà đóng cửa còn hơn”, anh Quân nói.

Liên quan tới việc mở rộng kinh doanh online, anh Quân cho rằng, nguồn thu không đảm bảo. “Nếu bán qua các app phải cắt giảm hoa hồng cho họ rất cao, nhưng không được tăng giá so với niêm yết, còn đơn hàng online cũng không nhiều”, anh Quân chia sẻ.

Sau một thời gian duy trì, anh Quân đành chấp nhận sang nhượng lại quán với mức giá 500 triệu đồng. Mặc dù vậy, nhiều khách tới xem rồi lần lượt bỏ đi, tới nay vẫn chưa tìm được chủ mới.

Nợ tiền thuê, tranh chấp

Không chỉ các quán nhỏ mà các thương hiệu cà phê lớn cũng lần lượt đóng cửa ở những vị trí kinh doanh không hiệu quả do chi phí mặt bằng cao. Cuối tháng 12/2021, Starbucks Vietnam  thông báo đóng cửa vĩnh viễn chi nhánh Starbucks Press Club. Trước đó, Starbucks Rex (TP.HCM), chi nhánh đình đám của Hà Nội, cũng ngậm ngùi đóng cửa.

Không xoay xở đủ dòng tiền, Highlands Coffee phải nợ tiền thuê mặt bằng nhiều tháng, tới hàng tỷ đồng và nảy sinh tranh chấp với các chủ nhà. Trước khi xảy ra tranh chấp với Nhà Hòa Bình, chuỗi cà phê này từng nợ 6 tháng tiền thuê mặt bằng tại tòa nhà Artemis (Thanh Xuân, Hà Nội) trên một tỷ đồng.

Hai năm sống trong lo sợ, chị em cùng nhau ôm khoản lỗ 1,5 tỷ đồng - 1
Nhiều quán cà phê buộc đóng cửa vì chi phí vận hành quá lớn (Ảnh: Duy Anh)

Chuỗi cà phê giải thích, lệnh giãn cách xã hội kéo dài tại TP.HCM khiến công ty lỗ nặng, doanh thu không có. Điều này khiến Highlands Coffee mất cân đối nguồn vốn, trong khi vẫn phải lo trả các khoản nợ đến hạn. DN này khẳng định không còn khả năng xoay xở dòng tiền để thanh toán chi phí thuê mặt bằng trong thời gian trên.

Từng tham vọng trở thành đồ uống quốc dân, chuỗi Soya Garden đóng cửa hàng loạt tại TP.HCM và Hà Nội sau thời gian rầm rộ. Soya Garden là thương hiệu đậu nành hữu cơ được ông Hoàng Anh Tuấn thành lập năm 2016 và gọi vốn thành công 15 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2017, với số vốn đầu tư thực tế lên đến 20 tỷ đồng.

Sau gói đầu tư 20 tỷ vào năm 2018, đầu năm 2019, Tập đoàn Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy đã nâng mức đầu tư thành 45 tỷ cho Soya Garden. Cuối tháng 4/2019, tập đoàn Egroup tiếp tục công bố đầu tư thêm 55 tỷ, nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng.

Theo khảo sát của Sapo, năm 2021 ngành dịch vụ ăn uống (F&B) có sự suy giảm lớn nhất; 79,8% chủ nhà hàng, quán ăn, quán cafe cho biết họ không chỉ gặp tình trạng sụt giảm doanh thu, cắt giảm nhân viên mà nhiều nhà hàng phải đóng cửa, đóng chi nhánh, tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn.

Các chủ quán áp dụng nhằm đối phó với dịch bệnh và giãn cách xã hội bao gồm cắt giảm chi phí cửa hàng và mặt bằng; chuyển đổi mặt hàng cung ứng để phù hợp với tình hình thực tế, Phát triển hoặc kinh doanh dòng sản phẩm mới; phân bổ nguồn vốn để đầu tư sang lĩnh vực khác.

Mặc dù đã được kinh doanh trở lại nhưng theo Sapo, 9,4% nhà bán hàng bi quan về tình hình kinh doanh năm 2022. Những tác động xấu của dịch bệnh và giãn cách xã hội vẫn tiếp tục ảnh hưởng cục bộ đến nhiều khu vực, trong đó ngành bán lẻ và ngành dịch vụ, ăn uống vẫn đang gánh chịu những hậu quả nặng nề. 

Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế. Bản thân các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ ăn uống đã nỗ lực thích ứng thời gian tới cần tiếp tục phát huy sự sáng tạo. Trong đó, họ cần chú trọng đến nguồn nhân lực, dòng tiền và khách hàng; gia tăng sức đề kháng từ công tác phân tích, dự báo và quản trị rủi ro.

Theo Duy Anh (VietNamNet)

Nổi bật