Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều thương vụ biệt thự trăm tỷ đã diễn ra ở Hà Nội nhưng báo chí không biết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây được cho là màn "chào sân" của doanh nghiệp mới.
- Ông đánh giá như thế nào về quyết định bỏ 700 tỷ đồng để mua một căn biệt thự thuộc diện bảo tồn?
- Mỗi chủ đầu tư bất động sản trước khi quyết định đầu tư, xuống tiền sẽ có những toan tính rất kỹ lưỡng. Thậm chí, trong một số tình huống, quyết định đó còn là chiến lược kinh doanh mang tính sống còn với doanh nghiệp khi tham gia vào các dự án lớn.
Tuy nhiên, điều mà không nhiều người biết là chủ đầu tư này đã có sẵn một số dự án quanh khu vực. Sau đó, họ tiếp tục thắng thầu thêm một vài dự án. Vài năm sau, với mức giá mới, chủ đầu tư đã thành công trong việc làm khuynh đảo mặt bằng giá của cả khu vực và trực tiếp hưởng lợi.
Ví dụ này để thấy, mỗi một nhà đầu tư đều có sự thẩm định, định hướng theo mục tiêu, chiến lược kinh doanh đề ra. Khi mục tiêu này còn nằm trong bí mật, rất khó có thể đánh giá được quyết định đầu tư của họ là đúng đắn hay sai lệch.
- Đơn vị mua biệt thự 3 mặt tiền ở đất vàng TP HCM là một doanh nghiệp mới thành lập. Ông đánh giá như thế nào về thương vụ đầu tiên gây xôn xao dư luận này?
- Không loại trừ khả năng đây là một màn chào sân, một phương pháp để khẳng định tiềm lực tài chính và tạo dựng thương hiệu của người chơi mới trong lĩnh vực bất động sản.
Người ta sẵn sàng bỏ ra một mức giá để mua căn biệt thự mà không ai dám mua, hoặc không ai muốn mua. Từ đó, họ có thể khẳng định đẳng cấp, thương hiệu của mình.
Rồi sau đó, khi họ tham gia các dự án khác, như đấu thầu lô đất hay triển khai các dự án mới thì chắc chắn những nhà đầu tư khác sẽ phải kiêng nể. Điều đó đồng nghĩa với khả năng thành công trong đàm phán, đấu thầu của doanh nghiệp này là rất cao. Doanh nghiệp đều có mục tiêu khi quyết định đầu tư.
- Mức giá gần 700 tỷ đồng để mua một căn biệt thự khiến không ít người choáng váng. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng Hà Nội cũng có những căn biệt thự thậm chí còn đắt hơn. Ông đánh giá thế nào về mặt bằng giá của biệt thự cổ tại Hà Nội và TP HCM?
- So sánh cụ thể từng căn nhà với nhau là điều không tưởng. Tuy nhiên, về mặt bằng giá chung, biệt thự cổ, nhà cổ của Hà Nội thường có giá trung bình cao hơn TP HCM 20-30%. Với những căn nhà có tính tương đồng về vị trí, diện tích, quy mô, kiến trúc..., điều này càng thể hiện rõ.
Khi triển khai những dự án trong khu vực trung tâm gần phố cổ, nhiều chủ đầu tư thậm chí còn dám chi trả mức đền bù đến cả tỷ đồng/m2. Nó giống với câu chuyện của một doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội khi họ tham gia vào dự án tại ngã tư Hai Bà Trưng, Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm).
Đơn vị này phải trả mức giá đền bù phải tính đến tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, đây cũng là cách chủ đầu tư đánh bóng luôn cho dự án. Sau đó, những căn hộ trong dự án này có giá vài triệu USD. Điều đó cho thấy việc chủ đầu tư sẵn sàng đền bù cũng là mục đích chiến lược kinh doanh của họ.
- Cơ sở nào để nói giá biệt thự ở Hà Nội đắt hơn TP HCM khi chưa có thương vụ mua bán nào gây rúng động dư luận diễn ra?
- Giá biệt thự ở Hà Nội có sự khác biệt, chênh lệch lớn so với TP HCM vì Hà Nội có lịch sử 1.000 năm văn hiến. Khu phố cổ của Hà Nội đã khẳng định được "thương hiệu" không chỉ trong nước mà với quốc tế.
Ngoài ra, Hà Nội còn là kinh thành của nước Việt xưa và thủ đô của Việt Nam ngày nay. Đây là thế mạnh tác động trực tiếp đến giá mà không một tỉnh thành nào có được.
Tại Hà Nội, nhiều cuộc giao dịch các căn biệt thự giá trị vài trăm tỷ đã diễn ra tuy nhiên giới truyền thông chưa biết hoặc chưa chú ý thôi.
Theo Đỗ Tú (Zing.vn)