Các khu vực đắc địa tại TP.HCM đã chứng kiến cuộc rời đi hàng loạt của các thương hiệu có tên tuổi như eDigi (thuộc tập đoàn IPPG), Phindeli, Saigon Casa (từng thuộc Nova F&B), Mellower Coffee,… Hàng loạt mặt bằng vì thế mà cũng bị bỏ trống, ngay cả khu vực hồ Con Rùa, Nhà thờ Đức Bà,… Trong khi đó, khu trung tâm Hà Nội thời gian gần đây lại chào đón các thương hiệu từ Tp.HCM như Katinat Kafe, Cheese Coffee, God Mother,…
Theo bà Hoàng Diệu Trang – Quản lý cấp cao cho thuê thương mại Savills Hà Nội, đây đều là những cửa hàng đầu tiên của các thương hiệu tại thị trường Hà Nội nên mặt bằng phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe từ độ nhận diện đến khả năng phát triển kinh doanh. Do đó, khu vực quận Hoàn Kiếm luôn là điểm đến được cân nhắc cho các thương hiệu lần đầu ra mắt.
Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt bằng tại khu trung tâm vẫn đang giữ được sức hút với khách thuê, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thách thức, sức mua bị ảnh hưởng, du lịch cũng chưa phục hồi hoàn toàn. Theo bà Trang, hiện thị trường Hà Nội cũng chứng kiến khá nhiều mặt bằng bị bỏ trống.
“Trước đây, khi du lịch phát triển mạnh mẽ thì toàn bộ khu phố cổ phủ đầy những mô hình nhà hàng, khách sạn rất đẹp và phong phú . Tuy nhiên, tại thời đi ể m này đã có sự thay đổi , nhiều khu nhà phố bị trống . Với một chuỗi, khi một địa điểm kinh doanh không hiệu quả, họ sẽ phải đóng cửa. Điều này đồng thời tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp khác tìm kiếm địa điểm đẹp. Trong khi đó, với các các doanh nghiệp lớn có kế hoạch mở rộng, những địa điểm đắc địa vẫn được ưu tiên hàng đầu . Nhìn chung, những địa điểm đặc địa vẫn hot nhưng phải cực kỳ hot”, vị chuyên gia Savills nhận định.
Ngược lại, mặt bằng ở phân khúc cao cấp, bán lẻ hàng xa xỉ lại rơi vào tình trạng thiếu hụt, gần như không có địa điểm trống do các mặt bằng không đáp ứng đủ các yêu cầu của thương hiệu cả về kỹ thuật lẫn concept.
Đánh giá chung về tình hình thị trường cho thuê nhà phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, bà Trang nhận định : “Độ phủ của thị trường đã tốt hơn so với năm trước. Tuy nhiên, thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi một số dự án không đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật, cộng thêm ảnh hưởng của kinh tế tạo ra áp lực cho doanh nghiệp. Họ đã cố gắng gồng mình nhưng rồi phải trả mặt bằng nếu kinh doanh không hiệu quả.
Các địa điểm đắc địa đã được phủ tương đối tốt. Tuy nhiên, những mô hình nhà phố bình thường khác phải cần thời gian, cần sự đàm phán của chủ nhà và doanh nghiệp để thống nhất mức giá thuê phù hợp. Nếu chủ nhà nhìn vào những nhà phố ở khu vực khác, nghĩ rằng họ cho thuê giá cao như vậy thì bản thân cũng phải có giá tương đương như thì rất khó.
Với một doanh nghiệp nước ngoài có tài chính ổn định, định hướng phát triển bền vững, lâu dài thì mức giá có thể được hấp thụ nhưng nếu áp dụng với doanh nghiệp trong nước thì đôi khi không khả thi. Sau giai đoạn Covid, các chủ nhà cũng đã có sự thay đổi về kỳ vọng, điều chỉnh giá thuê để hài hòa hơn với thị trường”.
Hiện mức giá thuê mặt bằng tại khu trung tâm Hà Nội đang dao động trong khoảng 5.000-15.000 USD/tháng (tương đương 117,5 – 325 triệu đồng/tháng).
Dẫu vậy, vị chuyên gia Savills cũng lưu ý sự trễ pha của thị trường Hà Nội so với TP.HCM. Khi các xu hướng phát triển tại TP.HCM đi đến giai đoạn phát triển rất mạnh và nóng thì thị trường Hà Nội vẫn chưa đến đỉnh. Và ngược lại, khi thị trường TP.HCM chứng kiến sự suy giảm, thoái trào, giảm giá thì thị trường Hà Nội sẽ diễn biến tương tự sau một thời gian.