Chiều 27/10, tại buổi giao ban thông tin báo chí Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, đại diện quận Hai Bà Trưng và quận Bắc Từ Liêm thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một số nhóm chỉ tiêu kinh tế khả năng cao quận không đạt kế hoạch đề ra liên quan đến khu vực thương mại - dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải thay đổi mô hình kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa do không có khách.
Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 9 tháng năm 2020 đạt trên 28.000 tỷ đồng (tăng 5,34% so với cùng kỳ), ước tính cả năm đạt trên 43.400 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ trên địa bàn 9 tháng đạt trên 72.600 tỷ đồng (tăng 13,3% so với cùng kỳ), ước cả năm 2020 đạt trên 100.000 tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, thu ngân sách trên địa bàn quận Hai Bà Trưng 9 tháng năm 2020 đạt trên 6.700 tỷ đồng đạt 54% so với dự toán, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ông Vũ Văn Hoạt, thu ngân sách ước thực hiện cả năm 2020 đạt trên 10.140 tỷ đồng, đạt 82% so với dự toán (giảm 10,8% so với thực hiện năm 2019).
Trong 9 tháng, số hộ đăng ký kinh doanh mới trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thấp hơn số doanh nghiệp giải thể.
Cụ thể, có 1.340 hộ đăng ký kinh doanh mới; số doanh nghiệp thành lập mới là 815 doanh nghiệp, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, không hoạt động kinh doanh hoặc giải thể là 1.457 doanh nghiệp, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Về công tác xây dựng cơ bản, danh mục dự án kế hoạch đầu tư công năm 2020 của Quận bao gồm 64 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và 101 dự án trong giai đoạn thực hiện. Trong công tác chuẩn bị đầu tư, quận đã phê duyệt 21/64 dự án; đã hoàn thành thi công 28 dự án và hiện đang thi công bảo đảm tiến độ 43 dự án.
Trong năm 2021, quận Hai Bà Trưng phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng trên 11%, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ trên 18%. Tăng cường công tác quản lý thị trường, các biện pháp quản lý, khai thác và bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu thuế; thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế của quận.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, đăng ký kinh doanh và các lĩnh vực có liên quan đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố Hà Nội.
Quận Bắc Từ Liêm thu ngân sách chủ yếu từ tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất
Thông tin về tình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2020, bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bắc Từ Liêm đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố, thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" - vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, quận Bắc Từ Liêm tiếp tục tăng trưởng khá, tăng so với cùng kỳ năm 2019; giá trị sản xuất các ngành ước đạt 33.015 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách của quận ước đạt hơn 3.176 tỷ đồng, đạt 103,9% dự toán Thành phố và Quận giao, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chủ yếu thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất ước đạt trên 1.948 tỷ đồng, đạt 236% kế hoạch, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng chi ngân sách ước thực hiện trên 1.112 tỷ đồng, đạt 89% dự toán Thành phố giao, 61% dự toán Quận giao (bao gồm cả dự toán Quận bổ sung 9 tháng đầu năm), tăng hơn 300 tỷ đồng (37%) so với cùng kỳ năm 2019.
Bắc Từ Liêm có 824 doanh nghiệp mới thành lập. Đến nay, Bắc Từ Liêm có 6.560 doanh nghiệp đang hoạt động. Quận cũng đã thẩm định, cấp mới 440 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp đổi 73 giấy cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng được tăng cường, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm.
Theo bà Mai, quận Bắc Từ Liêm cũng đã tập trung giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong công tác quyết toán vốn đầu tư, công tác xử lý kết luận thanh tra, kiểm toán. Trong 9 tháng đầu năm, toàn Quận khởi công mới được 23/26 dự án.
Giải ngân các Dự án nguồn vốn ngân sách quận 9 tháng đầu năm đạt 590,987 tỷ đồng, đạt 96,6% dự toán Thành phố giao và 54,1% dự toán Quận giao. Giải ngân các dự án nguồn vốn ngân sách Thành phố là: 334,427 tỷ đồng đạt 54,1% kế hoạch vốn giao.
Trong những tháng cuối năm 2020, quận Bắc Từ Liêm sẽ tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Quận sẽ tập trung hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực đặc biệt là thủ tục hành chính về thuế; đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng hạ tầng các án đấu giá, tổ chức thực hiện các dự án đấu giá năm 2020 bảo đảm công tác tổ chức đấu giá theo đúng kế hoạch.
Đôn đốc bảo đảm tiến độ các dự án trong điểm như: Xây dựng trụ sở Quận ủy, HĐND- UBND Quận; xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ Văn Tiến Dũng đến Phạm Văn Đồng, đường từ Đại học Mỏ- địa chất đi KCN Nam Thăng Long...
Khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai một số dự án ưu tiên như: Xây dựng 2 trường học tại phường Xuân Tảo, tu sửa cấp thiết di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm, phường Thụy Phương....
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn; xử lý dứt điểm vi phạm đất đai còn tồn đọng tại phường Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Xuân Đỉnh, Phú Diễn....
Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội.
Theo H.La (VOV.vn)