Hà Nội: Nhãn chín muộn ra toàn lá, dân "mếu máo" vì thất thu nặng

24/07/2017 10:10:00

Nếu năm ngoái, người dân trồng nhãn chín muộn ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai vô cùng phấn khởi vì nhãn vừa được mùa, được giá, thì năm nay lại trái ngược hoàn toàn, khi hàng vạn cây nhãn chỉ toàn lá, lác đác vài chùm quả. Thiên nhiên, thời tiết đã biến mùa nhãn ngọt thành mùa nhãn… “đắng”.

Nếu năm ngoái, người dân trồng nhãn chín muộn ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai vô cùng phấn khởi vì nhãn vừa được mùa, được giá, thì năm nay lại trái ngược hoàn toàn, khi hàng vạn cây nhãn chỉ toàn lá, lác đác vài chùm quả. Thiên nhiên, thời tiết đã biến mùa nhãn ngọt thành mùa nhãn… “đắng”.

Ông Nguyễn Văn Thành, 41 tuổi, hậu duệ đời thứ 3 sở hữu cây nhãn tổ này cho biết, khi anh còn nhỏ đã thấy cây nhãn cao lừng lững, muốn hái quả phải bắc thang mới hái được.

Hà Nội: Nhãn chín muộn ra toàn lá, dân "mếu máo" vì thất thu nặng - 1

Năm nay hầu hết các vườn nhãn chín muộn ở huyện Quốc Oai và Hoài Đức (Hà Nội) đều mất mùa, quả thưa và nhỏ do thời tiết khắc nghiệt.

Cụ Nguyễn Thị Cước, mẹ ông Thành kể lại: “Hiện cây nhãn tổ đã bước sang tuổi 122. Biết đây là cây nhãn quý, nên gia đình chăm sóc rất cẩn thận. Hồi đó thấy cây nhãn ăn ngon, lại chín muộn, nên các hộ xung quanh đến xin hạt, cây giống về trồng, chứ chưa biết chiết cành như bây giờ, cũng không bán chác, tiền nong gì".

Về đặc điểm nhận dạng, nhãn chín muộn Đại Thành có hình dáng méo, quả to, vỏ nhẵn, khi quả chưa chín có màu nâu. Điểm vượt trội của giống nhãn này là thời gian chín muộn hơn các loại nhãn khác từ 30 – 40 ngày (giữa tháng 8 đến cuối tháng 9). Do độ xuống nước của nhãn chậm, nên có thể để được quả trên cây cả tháng mà chất lượng vẫn ngon, không bị mất vị, nên không phải dùng thuốc hãm quản rất an toàn.

Hà Nội: Nhãn chín muộn ra toàn lá, dân "mếu máo" vì thất thu nặng - 2

Nhãn quả nhỏ, màu mã không được bắt mắt, tuy nhiên ước tính giá có thể tăng từ 20 - 30%, do sản lượng nhãn năm nay giảm khoảng 50% so với năm ngoái.

Từ cây nhãn quý này, gia đình ông Thành đã nhân ra hơn 150 cây, trong đó có 15 cây được Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT Hà Nội tuyển chọn là cây đầu dòng để nhân giống.

Tính đến nay, từ một cây nhãn tổ ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai đã có khoảng 120ha nhãn chín muộn, với sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Ngoài ra nhãn còn được trồng ở một số xã của huyện Hoài Đức như: xã An Thượng, Song Phương, Đông La… với diện tích hơn 100ha.

Hà Nội: Nhãn chín muộn ra toàn lá, dân "mếu máo" vì thất thu nặng - 3

Cả một vườn nhãn bạt ngàn chỉ toàn lá, lác đác vài chùm quả nên nhiều hộ trồng nhãn ở Quốc Oai, Hoài Đức đang rơi vào cảnh dở khóc, dở cười khi thu không đủ bù chi.

Theo tìm hiểu của PV, trái với niềm vui được mùa năm ngoái, năm nay tỷ lệ cây nhãn có quả chỉ đạt khoảng 50%. Như năm ngoái, khoảng tháng 7 âm lịch, tại các vườn nhãn ở Quốc Oai, Hoài Đức nhà nhà đã dùng lưới để che bảo vệ nhãn, với những chùm nhãn sai lúc lỉu, thì năm nay đến các vườn nhãn, hầu hết chỉ toàn thấy lá, lác đác vài cây sai quả, còn lại các cây chỉ lác đác vài chùm quả.

Từ nhiều năm nay, nhãn là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Nhưng năm nay, nhãn mất mùa khiến hàng chục hộ dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười, khi thu không đủ bù chi.

Hà Nội: Nhãn chín muộn ra toàn lá, dân "mếu máo" vì thất thu nặng - 4

Nếu năm ngoái vào thời điểm này, tất cả các vườn nhãn ở Quốc Oai, Hoài Đức đều lúc lỉu quả, thì nay cây lại ra chồi, chứ không đậu quả.

“Năm ngoái giá nhãn đạt khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, năm nay mất mùa rất có thể giá nhãn sẽ dao động khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, dù giá cao nhưng cũng không có nhãn để bán. Hơn nữa với sản lượng thu hoạch thấp như vậy, giá cao nữa cũng không thể giúp người trồng bù lại chi phí đầu tư bón phân, bồi bổ cho cây nhãn suốt cả năm trời” - bà Minh ở xã An Thượng (Hoài Đức) chia sẻ.

Theo Trâm Anh (Dân Việt)