Nhiều người dân mua hàng tiêu dùng tích trữ, nên khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới, các cửa hàng tiêu dùng thu lợi. Thế nhưng chủ các nhà hàng, đặc biệt là nhà hàng Hàn Quốc lại “méo mặt”, chấp nhận đóng cửa hàng tạm thời vì không có khách.
Chùm ảnh ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội:
Yên ắng, vắng lặng là hình ảnh quen thuộc tại phố Trần Văn Lai (KĐT Mỹ Đình Sông Đà, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi có phần nhiều người mang quốc tịch Hàn Quốc sinh sống.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là khi hơn 20 công dân Hàn Quốc đang được cách ly y tế tại Đà Nẵng để theo dõi COVID-19, các nhà hàng Hàn Quốc trên con phố Trần Văn Lai rơi vào cảnh vắng khách.
Nhiều nhà hàng Hàn Quốc mở cửa nhưng cả tuần mới có lác đác vài bàn khách.
Thậm chí là đóng cửa hàng vì ế ẩm.
Khu nhà ở CT1 thuộc khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những địa điểm định cư, tạm trú của người Hàn Quốc cũng ít người đi lại.
Vào buổi chiều các ngày, khu tập thể dục và sân đá bóng ở phía trong khu nhà CT1 luôn đông đúc nhưng nay lại thưa thớt đến lạ, chỉ còn một vài người dân vui chơi tại khoảng sân chung này. Ở các lối ra vào khu nhà ở, người Việt và cả người Hàn đều đeo khẩu trang kín mặt.
Khu vui chơi dành riêng cho trẻ em cũng tương tự.
Ông Văn (65 tuổi, quê ở Thái Bình) - nhân viên có thâm niên phụ trách vấn đề an ninh tại khu nhà ở CT1, cho biết, các tờ áp-phích khuyến cáo, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 thể hiện bằng tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Anh được dán ở các bảng tin dân cư tại các lối đi chính của khu nhà ở.
Từ khi có người Hàn Quốc được cách ly y tế tại Đà Nẵng để theo dõi COVID-19, nhà hàng lẩu nướng Hàn Quốc của bà Yun ChaeWon (51 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc), tại địa chỉ 106-TT3 đường Trần Văn Lai (phường Mỹ Đình) gần như không có khách.
Tấm biển ghi thông tin món ăn và thời gian mở cửa của nhà hàng này bị phủ một lớp bụi trắng. Các cánh cửa ở hai lối ra vào nhà hàng không mở, bụi phủ bên ngoài bậc thềm.
Bên trong, một người đàn ông Hàn Quốc trung tuổi đeo khẩu trang đang nhanh tay dùng bình xịt mini khử trùng từng ngõ ngách, bàn ăn trong nhà hàng.
Bà Yun ChaeWon cho biết, mấy ngày nay, cửa hàng của bà phải tạm thời đóng cửa vì không có khách.
Nhà hàng Hàn Quốc có tên là Rio, nơi anh Ngô Trung Kiên (39 tuổi) đang làm quản lý cũng tương tự.
Mặc dù nhà hàng luôn sẵn sàng đón khách và thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam về phòng, chống dịch COVID-19 nhưng lượng thực khách của nhà hàng sụt giảm.
Trong khi các cửa hàng ăn uống bị giảm doanh thu thì doanh thu của cửa hàng tiêu dùng L.P lại tăng lên nhờ dịch COVID-19 do khách hàng mua đồ tích trữ.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)